TP.HCM xử lý hơn 17.000 vụ tài xế "ma men" lái xe trong gần 2 tháng
Chiều 23/2, UBND TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM.
Tại buổi họp báo, thông tin về tình trạng lái xe sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông và chống người thi hành công vụ, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an thành phố cho biết, mặc dù quy định của pháp luật hiện nay xử phạt khá nặng đối với các hành vi này, tuy nhiên qua xử lý của Công an thành phố cho thấy, số lượng người vi phạm còn khá nhiều.
Cụ thể, năm 2022 công an TP.HCM xử lý 55.555 vụ vi phạm về nồng độ cồn, phạt hành chính trên 400 tỷ đồng; về xử lý hành vi chống người thi hành công vụ xảy ra 11 vụ.
Trong đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ ngày 15/11/2022 đến 5/2, Công an TP.HCM đã xử lý 17.456 vụ vi phạm về nồng độ cồn, giữ hơn 16.400 phương tiện vi phạm, tước khoảng 11.000 giấy phép lái xe, xử phạt các trường hợp vi phạm nồng độ cồn hơn 66 tỷ đồng. Có 3 trường hợp chống người thi hành công vụ.
Công an thành phố xây dựng kế hoạch cao điểm, các chỉ đạo đơn vị trực thuộc, trong đó có giải pháp đẩy mạnh, đa dạng các hình thức tuyên truyền “không lái xe khi đã uống rượu bia”.
Siết chặt quản lý đối với xe điện bốn bánh
Tháng 1/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chấp thuận cho triển khai thí điểm 50 xe điện bốn bánh vận chuyển hành khách tại quần thể di tích thắng cảnh chùa Hương. Toàn bộ số xe thí điểm được giao cho Công ty Chùa Hương Xanh thực hiện. Theo phương án được duyệt, xe điện sẽ đón hành khách tại ba điểm cách bến Yến từ 1,7km đến 3km.
Với giá vé hợp lý, chỉ 10.000 đồng/lượt, xe điện chở khách được đánh giá khá thuận tiện và góp phần giảm ùn tắc các lối vào chùa Hương. Tuy nhiên, những ngày bình thường do vắng khách, cho nên xe điện đi nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu của khách, nhưng ngày cuối tuần phục vụ không xuể, khách phải chờ đợi rất lâu.
Ðể đáp ứng nhu cầu của người dân, đơn vị quản lý là Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn đã "chủ động" cho phép Công ty Chùa Hương Xanh tăng số xe lên 110 xe để phục vụ khách. Cũng do đưa vào vận hành cập rập, cho nên luồng tuyến hoạt động của xe điện ở chùa Hương chưa quy củ, chưa có điểm dừng đỗ đón, trả khách, mà khách muốn xuống ở đâu thì lái xe dừng ở đó. Có lúc xe buộc phải chở quá số người định do khách đi theo đoàn, muốn đi cùng nhau, tiềm ẩn nguy cơ về an toàn giao thông.
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội), việc tăng số lượng xe điện bốn bánh thí điểm vận chuyển khách tại chùa Hương thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Sở Giao thông vận tải Hà Nội chưa nhận được thông tin về việc tăng xe từ phía địa phương, cũng chưa tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận việc tăng xe; địa phương tự ý yêu cầu tăng số lượng xe điện là sai quy định. Trong khi đó, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Ðức cho biết, huyện có Tờ trình số 159/TTr-UBND ngày 7/2/2023 về việc đề nghị tăng thêm số lượng xe bốn bánh chạy điện phục vụ vận chuyển hành khách tại quần thể di tích thắng cảnh chùa Hương. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa được thành phố chấp thuận.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã yêu cầu Thanh tra Giao thông vận tải phối hợp huyện Mỹ Ðức, Công an thành phố kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) của xe điện bốn bánh thí điểm hoạt động tại chùa Hương; yêu cầu Công ty Chùa Hương Xanh xây dựng phương án kinh doanh bảo đảm an toàn giao thông, báo cáo với cơ quan chức năng.
Hà Nội phê duyệt dự án đường song hành- Vành đai 4
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định số 1072/QĐ-UBND ngày 20-2-2023 phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành qua địa phận thành phố Hà Nội với tổng chiều dài tuyến khoảng 58,2km. Tổng mức đầu tư dự án là 5.388 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 4.525 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
Theo đó, dự án đi qua địa bàn 7 quận, huyện. Điểm đầu tại Km0+000 (tương ứng Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai), thuộc địa phận xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn; điểm cuối tại Km58+200 ranh giới thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, thuộc địa phận huyện Thường Tín.
Phạm vi xây dựng đường song hành chiều dài khoảng 51,61km, đường song hành trái có chiều dài khoảng 51,55km.
Đường song hành (đường đô thị) được thiết kế bảo đảm vận tốc thiết kế 80km/h. Riêng đoạn tuyến đi ngoài đê Song Phương (từ Km30+310 đến Km33+060) được thiết kế bảo đảm vận tốc thiết kế 60km/h.
Đối với các nút giao được dự kiến đầu tư xây dựng nút liên thông sẽ được đầu tư đồng bộ trong Dự án thành phần 3 (nút cao tốc Hà Nội - Lào Cai; trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; quốc lộ 6; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ).
Đối với các tuyến đường khác sẽ được vuốt nối thuận lợi với đường song hành hai bên tuyến và tổ chức quay đầu trong khoảng 1km một vị trí đối với các đoạn tuyến tổ chức giao thông một chiều.
Anh Nguyễn (tổng hợp)