Siết điều kiện mở trung tâm đào tạo lái xe
Tại dự thảo sửa đổi Nghị định 65, Bộ GTVT đề xuất việc thành lập các cơ sở đào tạo lái ô tô và trung tâm sát hạch lái xe phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và phù hợp với mật độ dân cư trên địa bàn.
Lý giải đề xuất này, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, thời gian qua tại một số tỉnh, thành phố lớn xuất hiện tình trạng đầu tư, xây dựng tràn lan các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe.
Trong khi đó, các nhà đầu tư chủ yếu chỉ muốn xây dựng tại các địa điểm thuận lợi, đông dân cư, dẫn đến mất cân đối, cạnh tranh không lành mạnh và gây lãng phí của cải cho xã hội.
"Trong lĩnh vực đăng kiểm Chính phủ đã yêu cầu quản lý chặt chẽ, không mở tràn lan các trung tâm đăng kiểm và đã được quy định tại Nghị định 139 sửa đổi vừa được ban hành. Tương tự như vậy, quy định khi mở mới trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và mật độ dân cư nhằm hạn chế tình trạng những bất cập hiện nay", ông Thống cho hay.
Về ý kiến cho rằng, trong thành lập mới cơ sở đào tạo lái xe nên bỏ quy hoạch, để thị trường điều tiết, ông Thống cho rằng, như vậy là không có vai trò của quản lý nhà nước: "Cung vượt cầu sẽ làm rối loạn thị trường, một địa phương một năm mới sát hạch được vài trăm người nhưng lại mở 3 - 4 trung tâm đào tạo, gây lãng phí".
Theo quy định hiện nay, nhà đầu tư muốn mở mới trung tâm đào tạo phải có chấp thuận về chủ trương của UBND cấp tỉnh. Căn cứ vào định hướng phát triển của tỉnh, thành phố, trên cơ sở số lượng dân cư, số GPLX cấp hàng năm và nhu cầu học lái xe trên địa bàn, các tỉnh, thành phố quyết định số lượng trung tâm đào tạo, từ đó có chấp thuận chủ trương cho mở mới hay không.
"Quy định mới tại dự thảo nếu được thông qua sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương quyết định về số lượng cơ sở đào tạo, giúp các địa phương có công cụ để quản lý", ông Thống nói.
Người dân đổ xô đi đổi GPLX xe máy sang thẻ nhựa
Liên tục trong một tuần qua, lượng người dân đến làm thủ tục cấp đổi Giấy phép lái xe (GPLX) từ thẻ giấy sang thẻ nhựa đã tăng đột biến tại các điểm cấp đổi GPLX do Sở GTVT TP.HCM quản lý.
Theo Phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX (Sở GTVT), mặc dù Sở GTVT đã khuyến khích người dân làm thủ tục trực tuyến nhưng hiện nay còn số lượng lớn GPLX mô tô không thời hạn là loại thẻ giấy.
Loại thẻ này hiện chưa có kết nối với dữ liệu quốc gia nên người dân không làm thủ tục trực tuyến được mà phải đến trực tiếp. Cũng chính vì lý do này nên sau khi Thông tư 32 có hiệu lực, lượng người dân đến đổi bằng lái từ thẻ giấy sang thẻ nhựa tăng cao.
Ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, để tích hợp các loại giấy tờ, trong đó có GPLX vào ứng dụng VNeID, người dân cần đổi GPLX qua thẻ PET. Tuy nhiên, việc xử phạt theo lộ trình chứ không bắt buộc ngay bây giờ, người dân cần tránh tâm lý hoang mang lo sợ, ồ ạt đi đổi GPLX dẫn đến ùn tắc và phải chờ đợi tại các điểm làm thủ tục.
Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay chưa có văn bản nào quy định người dân phải đổi bằng lái xe máy bản giấy sang thẻ nhựa (PET). Việc đổi này đang được Bộ Công an đề xuất trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Hiện tại Luật chưa được thông qua nên quy định đổi bằng cũng chưa có hiệu lực.
Theo điều 49 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, người tham gia giao thông phải mang các giấy tờ như: GPLX, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định, giấy bảo hiểm. Trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước thì người lái xe không phải mang theo.
Với quy định trên, nếu dự thảo được thông qua, thời gian tới, người lái xe sẽ không cần mang theo giấy tờ xe khi đã tích hợp các loại giấy tờ này trong tài khoản VNeID. Cơ quan chức năng chỉ kiểm tra thông tin phương tiện và người lái qua ứng dụng này.
Hoàn thành cải tạo 4 ga đường sắt phía Bắc trong tháng 10
Dự án cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc với tổng mức đầu tư 470 tỷ đồng được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư năm 2022 tiến hành cải tạo, nâng cấp 3 ga hành khách Gia Lâm, Cẩm Giàng, Hải Dương tuyến Hà Nội-Hải Phòng; 4 ga hàng hóa Ga Vật Cách, Cảng Vật Cách (tuyến Gia Lâm-Hải Phòng); Ga Đồng Đăng và Ga Lạng Sơn (tuyến Hà Nội-Đồng Đăng); Ga Xuân Giao (tuyến Yên Viên-Lào Cai).
Hiện, 4 Ga Gia Lâm, Cẩm Giàng, Hải Dương, Lạng Sơn thuộc Dự án dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2023.
Trong đó, ga Gia Lâm đã hoàn thành cải tạo nhà ga hiện hữu, đang thi công lắp dựng mái che ke ga; đã hoàn thành cải tạo kiến trúc tầng trên đường sắt số 1 và số 3; đang thi công cải tạo kiến trúc tầng trên đường sắt số 2, hệ thống thoát nước và cải tạo, nâng cấp ke ga theo tiêu chuẩn ke ga thấp.
Ga Cẩm Giàng đã hoàn thành cải tạo nhà ga hiện hữu, mái che ke ga ke trung gian; đang thi công mái che ke ga ke cơ bản và nhà vệ sinh mới, tường rào; đã hoàn thành cải tạo kiến trúc tầng trên các đường sắt trong ga, hệ thống thoát nước.
Ga Hải Dương đã hoàn thành thi công mái che ke ga; cơ bản hoàn thành cải tạo kiến trúc tầng trên các đường sắt trong ga và hệ thống thoát nước.
Ga Lạng Sơn đang thi công lắp dựng nhà kho mới và các hạng mục khác liên quan đồng bộ như điện chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy.
Hai ga còn lại là Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Xuân Giao (Lào Cai) vẫn đang phải chờ mặt bằng để hoàn tất một số hạng mục.
Nam Lê (tổng hợp)