Ai trong chúng ta cũng biết rõ nước không cháy được và nó còn được dùng để dập đám cháy. Điều này cũng khiến nhiều người thắc mắc: Nước là do hai nguyên tố hidro và oxi tạo nên. Đây là 2 chất đều cháy và duy trì sự cháy nhưng vì sao nước lại không cháy được? Đây quả là câu hỏi khó có thể trả lời ngay lập tức.
Trên thực tế, sự cháy là phản ứng oxy hóa – khử nhiệt độ cao giữa một chất đốt và tác nhân oxy hóa, thường là oxy khí quyển, tạo ra các sản phẩm oxy hóa thường dạng hơi, trong một hỗn hợp gọi là khói. Sự cháy tạo ra ngọn lửa, và tạo ra nhiệt độ đủ cho sự cháy tự duy trì.
Có một số vật chất mặc dù là ở nhiệt độ thường nhưng chỉ cần có cơ hội “gặp mặt” với khí oxi là nó lập tức “kết hợp” với oxi và tự động cháy như photpho trắng hay có một số chất như than, khí hydro, lưu huỳnh… mặc dù ở nhiệt độ thường khi tiếp xúc với oxi không hề có phản ứng gì, nhưng khi nhiệt độ tăng, chúng sẽ cháy mạnh.
Với nước, nước tạo thành từ 2 nguyên tố H và O, là kết quả do sự đốt cháy H với chất hỗ trợ là O. Nếu đã là sản phẩm cháy của hydro thì nước không thể tiếp tục kết hợp với oxy để tạo ra sự cháy nữa. Cũng vì vậy nên nước được dùng để dập tắt các đám cháy.
4 điều thú vị về nước
1. Nước (H2O) là chất tự nhiên duy nhất tồn tại trong 3 trạng thái - lỏng, rắn và khí).
2. Nước dồi dào nhưng cũng rất khan hiếm
Nước có mặt ở khắp mọi nơi. Khoảng 70% bề mặt trái đất được bao phủ bởi nước. Tổng lượng nước trên hành tinh bằng 326 triệu dặm khối (1 dặm = 1,6 km). Nếu tất cả lượng nước trên hành tinh được đổ xuống Mỹ, nó sẽ bao phủ toàn bộ lãnh thổ bằng một đại dương với độ sâu 145 km.
Nước dồi dào là vậy nhưng cũng có lúc trở nên khan hiếm. Đó là khi chúng ta nói đến nguồn nước sạch cần cho con người và những sinh vật khác để tồn tại. Theo MSNBC News, khoảng 97% lượng nước trên trái đất ở dạng muối trong đại dương và biển, 3% còn lại là nước sạch. Trong 3 % này, phần lớn được lưu trữ trong 7 triệu dặm khối đông cứng trong các núi băng và sông băng; 2 triệu dặm khối khác nằm dưới mặt đất và chỉ một số ít có thể khai thác - nằm trong sông, hồ, biển nội địa.
3. Nước cần cho cơ thể
Tất cả sinh vật sống đều cần nước để tồn tại - con người có thể nhịn đói một tháng nhưng sẽ chết sau một tuần nếu không có nước - và mọi sinh vật sống đều chứa nước ở một mức độ đáng kể. Cụ thể, nước tạo nên 60% cơ thể con người, 70% bộ não, 80% lượng máu và gần 90% buồng phổi.
Vì nước là một thành phần thiết yếu trong cuộc sống đối với từng cá thể, nên việc bổ sung đủ nước mỗi ngày có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người. Trước tiên, uống nước giúp giải tỏa cơn khát của cơ thể, ngăn ngừa tình trạng mất nước và mang lại sự tỉnh táo. Bên cạnh đó, nước còn mang lại những lợi ích như giúp duy trì nhiệt độ cơ thể ở mức bình thường; Bôi trơn và đệm các khớp nối trên cơ thể; Bảo vệ tủy sống của mỗi người và các mô nhạy cảm khác; Loại bỏ chất thải thông qua các tuyến như mồ hôi, tiểu tiện và đi tiêu;...
Ngược lại, cơ thể khi thiếu nước sẽ gây nhiều hậu quả như tư duy giảm sút, tâm trạng thay đổi thất thường, khi cơ thể quá nóng còn gây một số bệnh như táo bón và sỏi thận,...
4. Nước có thể chữa bệnh
Với con người, nước không chỉ là một chất dinh dưỡng trọng yếu duy trì mọi hoạt động sống, mà còn là một nhân tố tham gia tích cực vào việc phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Từ xa xưa, trong y học cổ truyền phương Đông, nước đã được sử dụng như một thứ "thuốc" để chữa bệnh và dưỡng sinh.
Ánh Lê (Tổng hợp)