Từ 1/4, taxi vào sân bay Tân Sơn Nhất phải trả phí theo lượt
Công ty cổ phần đầu tư TCP, chủ đầu tư nhà để xe TCP tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) vừa thông báo đến 7 doanh nghiệp taxi hoạt động tại sân bay về phương án thu giá dịch vụ từ 5.000 – 10.000 đồng/lượt đối với xe taxi truyền thống, áp dụng từ ngày 1/4.
Theo đó, Công ty TCP sẽ dừng hợp đồng thuê vị trí đậu xe tại bãi đậu xe ô tô ngoài trời, thay vào đó TCP sẽ sắp xếp số lượng vị trí đậu xe căn cứ vào danh sách xe đăng ký kinh doanh vận tải tại sân bay Tân Sơn Nhất của các hãng taxi.
Các xe taxi vào nhà để xe TCP qua trạm 1 phải dừng lại lấy thẻ kiểm soát và ra khỏi nhà để xe qua trạm 3 để vào làn C đón khách phải đóng giá dịch vụ là 5.000 đồng/lượt. Trường hợp xe taxi vào đón khách tại làn D trong nhà để xe thì giá dịch vụ là 15.000 đồng/lượt (mức giá này tương đương mức áp dụng cho xe công nghệ hiện nay).
Trước ý kiến lo ngại việc phí vào sân bay quá cao, ông Phạm Văn Châu, Giám đốc Công ty CP Đầu tư TCP cho biết, công ty mới đưa ra mức phí trên, chưa biết phản ứng của các doanh nghiệp thế nào. Tuần tới công ty sẽ họp với các đơn vị liên quan để thống nhất về mức thu phí taxi hiện nay.
Trước đó, nhà giữ xe TCP cho thuê bãi đệm đậu ngoài trời với giá 1,7 triệu đồng/tháng/bãi. Các hãng taxi chỉ cần thuê bãi đệm để xe đậu, chờ lượt vào sân bay đón khách.
Chính thức đề xuất miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới mới
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo trình tự, thủ tục rút gọn, thời gian ban hành trong tháng 3/2023.
Bộ GTVT cho biết để quy định nhanh chóng đi vào thực tế, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân và doanh nghiệp, việc xây dựng Thông tư nêu trên theo trình tự, thủ tục rút gọn là hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết "Trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn".
Ngày 8/3, Bộ GTVT đã có công văn gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến về việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TTBGTVT theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Ngày 10/3, Bộ Tư pháp có Công văn thống nhất với việc cần sớm sửa đổi quy định hiện hành để miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới mới và đề nghị Bộ GTVT bổ sung giải trình rõ hơn về nội dung dự kiến điều chỉnh khác trong dự thảo Thông tư. Về ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ GTVT đã tiếp thu, thuyết minh làm rõ sự cần thiết của việc điều chỉnh.
Thực hiện khoản 3 Điều 147 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Thông tư nêu trên theo trình tự, thủ tục rút gọn để đảm bảo giải quyết vấn đề cấp cách phát sinh trong thực tiễn hiện nay (Thời gian ban hành trong tháng 3-2023).
Đề xuất 8.450 tỷ đồng xây dựng cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng
Ngày 16/3, thông tin từ UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, tỉnh này vừa trình Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương này làm cơ quan chủ quản Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua Ninh Bình.
Theo nội dung trình Thủ tướng Chính phủ, dự án này qua Ninh Bình dài 25,4 km, có điểm đầu tại nút giao Mai Sơn giao với tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Mai Sơn – QL 45, điểm cuối là cầu vượt sông Đáy (cầu Tam Tòa) nối 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Định.
UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất dự án bắt đầu từ nút giao Mai Sơn, tuyến vượt qua QL 1A và đường sắt Bắc – Nam, đi qua địa phận 2 huyện Yên Mô và Yên Khánh, giao với QL 10 tại vị trí cuối tuyến tránh Yên Ninh, huyện Yên Khánh và kết nối vào cầu vượt sông Đáy (cầu Tam Tòa) nối 2 tỉnh Ninh Bình, Nam Định) để sang tỉnh Nam Định.
Dự án được đầu tư xây dựng tuyến cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120 km/h, bề rộng nền đường 24,75m, bề rộng mặt đường 15 m. Hình thức đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua Ninh Bình là đầu tư công.
Với quy mô đầu tư như trên, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 8.450 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng chính tuyến và đường gom là 3.658 tỷ đồng; xây dựng cầu, hầm chui, cống lớn là 1.597 tỷ đồng.
UBND tỉnh Ninh Bình sẽ bố trí 2.000 tỷ đồng thực hiện GPMB và một số chi phí có liên quan khác, trong đó trước năm 2025 là 1.500 tỷ đồng, sau năm 2025 bố trí 500 tỷ đồng. Phần vốn còn lại (6.450 tỷ đồng), UBND tỉnh Ninh Bình kiến nghị Chính phủ hỗ trợ theo tiến độ triển khai Dự án.
Thành Đô (tổng hợp)