Theo báo Thanh niên, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến 25/3 tăng 0,26% so với cuối năm 2023, đạt 13,6 triệu tỷ đồng, riêng tháng 3 tăng 0,98%. Nhà điều hành tiếp tục hút tiền về, lãi suất vẫn giảm.
Tháng 3 là tháng đầu tiên trong 3 tháng đầu năm ngành ngân hàng tăng trưởng tín dụng ở mức dương với 0,98%. Trong khi 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng ở mức âm.
Các ngân hàng đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng với các gói tín dụng lãi suất thấp. Lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023; tỷ giá diễn biến phù hợp với xu hướng các đồng tiền quốc tế so với USD.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 và đang rà soát để sửa đổi, bổ sung, gia hạn Thông tư; tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng như chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, chương trình cho vay lâm sản, thủy sản...
Thông tin trên báo Công lý, theo thống kê, có 13 ngân hàng thương mại có quy mô vốn điều lệ đạt trên 1 tỷ USD, lần lượt gồm: VPBank (79.339 tỷ đồng), BIDV (57.000 tỷ đồng), Vietcombank (55.890 tỷ đồng), VietinBank (53.699 tỷ đồng), MB (52.140 tỷ đồng), Agribank (40.963 tỷ đồng), ACB (38.840 tỷ đồng), SHB (36.193 tỷ đồng), Techcombank (35.225 tỷ đồng), HDBank (29.000 tỷ đồng), LPBank (25.576 tỷ đồng), VIB (25.368 tỷ đồng) và SeABank (24.537 tỷ đồng).
Trong số các ngân hàng đã thực hiện thành công trong việc tăng vốn điều lệ năm 2023, xét về con số tuyệt đối thì VPBank là nhà băng thực hiện pha bứt tốc nhanh nhất khi vốn điều lệ tăng thêm 11.905 tỷ đồng (17,65%) lên hơn 79.339 tỷ đồng, tương đương 3,26 tỷ USD.
Ngược lại, tính đến đến 31/1/2024, tổng tài sản của toàn hệ thống đạt hơn 19,545 triệu tỷ đồng, giảm 2,63% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước có tổng tài sản đạt hơn 8,2 triệu tỷ đồng, giảm 1,49% so với cuối năm 2023; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản đạt hơn 8,6 triệu tỷ đồng, giảm 3,87% so với cuối năm 2023…
Về tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của toàn hệ thống ở mức 77,87%. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước có tỷ lệ là 81,31%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ là 80,88%...
Tính đến tháng cuối tháng 1/2024, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 11,84%. Tỷ lệ an toàn vốn nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đạt 9,72%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 11,89%...
Được biết, trong kế hoạch kinh doanh 2024, nhiều ngân hàng đã đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ, dự kiến được thông qua đại hội cổ đông trong quý II/2024.
V. A (T/h)