Nội dung chính
|
Tìm thấy trứng của loài chim hiếm có nhất hành tinh trong rừng
Theo bài đăng ngày 10/9 trên Australian Geographic, trong một lần khảo sát định kỳ tại khu rừng phía bắc bang New South Wales (Úc), Kurt Holzhauser - cán bộ lâm nghiệp thuộc Tập đoàn Lâm nghiệp Úc - đã tình cờ phát hiện một tổ chim đà điểu emu ven biển chứa 9 quả trứng. Điều đáng nói, đây là tổ của một trong những loài chim hiếm nhất thế giới.
Sự kiện này được đánh giá là phát hiện sinh thái quan trọng vì loài đà điểu Emu ven biển đã được liệt vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng từ năm 2002. Chúng có vai trò quan trọng trong việc phát tán hạt giống và trái cây trong khu vực.
Chris Slade - nhà sinh thái học cấp cao của Tập đoàn Lâm nghiệp Úc chia sẻ: "Việc phát hiện một tổ chim đà điểu Emu ven biển có trứng là một khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa đối với quần thể đang bị đe dọa này. Đây là một tín hiệu đáng mừng bởi vì thời điểm phát hiện rất thuận lợi, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo những quả trứng này sẽ nở thành công".
Loài đà điểu Emu ven biển, còn được gọi là Emu ven biển New South Wales, sở hữu bộ gen khác biệt so với loài Emu phổ biến ở lục địa Úc. Trong khi Emu phổ biến được xếp vào nhóm "Ít quan tâm" trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), thì đà điểu Emu ven biển đã được chính quyền New South Wales xếp vào nhóm nguy cấp từ năm 2002. Bên cạnh giá trị về mặt sinh thái, loài đà điểu Emu ven biển còn mang ý nghĩa văn hóa to lớn đối với người dân bản địa.
Trước đây, loài đà điểu Emu ven biển từng phân bố rộng khắp khu vực đông bắc bang New South Wales. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng loài này đã giảm xuống mức báo động, chỉ còn dưới 40 cá thể, tập trung chủ yếu ở các khu vực Evans Head, Red Rock và Bungawalbin.
Việc phát hiện tổ chim đà điểu Emu ven biển mới tại Grafton cho thấy phạm vi sinh sống của chúng có thể đang mở rộng.
Tuy nhiên, trứng và chim non thường có tỷ lệ sống sót thấp. Vào năm 2023, một tổ chim với 9 quả trứng đã được tìm thấy nhưng cuối cùng chỉ còn lại 2 con non.
Nhà sinh thái học hiện trường cấp cao Joshua Brown cho biết, tổ trứng được phát hiện trong một khu vực được bảo vệ liền kề với khu vực khai thác gỗ. Ông cho biết thêm, đây là lần đầu tiên ông được chứng kiến khám phá về trứng đà điểu Emu ven biển trong suốt 18 năm làm nghề.
Để bảo vệ loài chim này, Tập đoàn Lâm nghiệp Úc đã tạm dừng hoạt động khai thác gỗ gần khu vực phát hiện tổ trứng.
Joshua Brown cũng cho biết thêm, một vùng đệm 100 mét đã được thiết lập xung quanh tổ trong khi việc khai thác gỗ vẫn tiếp tục cách xa địa điểm này. Ông khẳng định: "Khu vực này kết nối với rừng nguyên sinh và xa hơn về phía đông là một vườn quốc gia. Đây là nơi kết nối rất thuận lợi cho khu vực mà tổ trứng này được tìm thấy".
Nhưng theo ông Brown, mối đe dọa tiềm ẩn khác đối với tổ trứng đà điểu Emu ven biển đến từ chính những loài động vật hoang dã. "Có rất nhiều động vật hoang dã trong khu vực, lợn và cáo, có thể tàn phá những tổ trứng này."
Sự biến mất của loài emu ven biển khỏi khu vực này sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ sinh thái. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc phát tán hạt giống cây trồng, góp phần duy trì sự đa dạng sinh học của các khu rừng ven biển - nơi được xem là một trong những khu rừng ven biển đa dạng nhất thế giới.
Đặc điểm nổi bật của loài chim quý hiếm
Đà điểu Emu ven biển là một loài chim lớn với lông mềm màu nâu phủ đầu và cổ. Chúng không thể bay nhưng lại sở hữu cổ và đôi chân dài, với ba ngón chân ở mỗi bàn chân. Đà điểu Emu ven biển có thể đạt đến chiều cao 1,9 mét. Chúng có khả năng di chuyển khoảng cách lớn và khi cần thiết, có thể đạt tốc độ chạy lên đến 50 km/h.
Chế độ ăn của chúng bao gồm nhiều loại thực vật và côn trùng. Mặc dù có khả năng nhịn ăn trong nhiều tuần liền, chúng lại uống rất nhiều nước mỗi khi có cơ hội. Trung bình, một con đà điểu Emu ven biển có trọng lượng từ 40 đến 50 kg.
Mùa ghép đôi của chúng thường bắt đầu vào tháng 2 đến tháng 3 và làm tổ sinh con là từ tháng 5 đến tháng 7. Trong thời gian này, các con cái thường xảy ra xung đột nổ ra để giành bạn tình. Một con cái có thể giao phối nhiều lần và đẻ nhiều lứa trứng trong một mùa.
Con đực có trách nhiệm ấp trứng và trong quá trình này, chúng hầu như không ăn uống gì, dẫn đến việc giảm cân đáng kể. Sau khoảng tám tuần, trứng sẽ nở và con non sẽ được chăm sóc bởi chính cha chúng. Chỉ sau sáu tháng, chúng sẽ đạt kích thước tối đa nhưng vẫn tiếp tục sống cùng gia đình cho đến mùa sinh sản kế tiếp.
Chim non sẽ mất đi phần sọc trên lông sau khi được 3 tháng tuổi. Sau đó, lông của chúng sẽ chuyển sang màu đen. Phần da trên mặt sẽ chuyển thành xanh đen khi chúng được 2 năm tuổi.
Nguyệt Phạm (Tổng hợp)