Đề xuất tăng trần giá vé máy bay, Hà Nội – TP.HCM tối đa 3,4 triệu đồng
Bộ GTVT đang lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Theo Dự thảo thông tư mới, với đường bay dưới 500km, giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư 17.
Cụ thể, nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội vẫn có mức giá tối đa là 1,6 triệu đồng/vé một chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500km có mức giá tối đa là 1,7 triệu đồng/vé một chiều.
Với các đường bay từ 500km đến dưới 850km, mức giá tối đa đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé một chiều. Trong khi theo quy định hiện hành, con số này là 2,2 triệu đồng/vé.
Với đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé, cao hơn 100 nghìn đồng so với quy định hiện hành.
Trong khi đó, đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km, Dự thảo mới đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng, cao hơn 200 nghìn đồng so với quy định hiện hành. Đây cũng là khoảng cách đường bay Hà Nội – TP.HCM hiện nay (tổng chiều dài đường bay từ TP.HCM đi Hà Nội khoảng 1.190km đến 1.276km, tùy hãng hàng không lựa chọn lộ trình bay qua không phận Campuchia và Lào hay chỉ bay trên không phận Việt Nam).
Còn với đường bay từ 1.280km trở lên, Dự thảo mới đề xuất mức giá 4 triệu đồng, cao hơn quy định hiện hành 250 nghìn đồng.
Được biết, mức tối đa giá dịch vụ đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 1 vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách cũng như dịch vụ bảo đảm an ninh như giá phục vụ hành khách, giá bảo đảm an ninh, hành lý.
Ngoài ra, mức tối đa giá dịch vụ cũng chưa tính khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm. Đây là khoản giá do các hãng hàng không quyết định trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp dịch vụ của hãng hàng không và nhu cầu của thị trường.
Bắt đầu chạy xe buýt điện miễn phí giữa hai nhà ga sân bay Nội Bài
Từ 1/7, Cảng hàng không Quốc tế (HKQT) Nội Bài chính thức đưa vào vận hành 2 xe buýt điện nối chuyến - NIA free shuttle bus thay thế cho 2 xe buýt nối chuyến chạy bằng dầu diesel trước đây.
Nội Bài là cảng hàng không đầu tiên trực thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV chính thức triển khai đưa vào sử dụng xe buýt điện nối chuyến phục vụ hành khách.
Dịch vụ NIA free shuttle bus di chuyển liên tục giữa hai nhà ga với tần suất 15 phút/1 chuyến vào khung giờ ban ngày (từ 07h00 đến 23h00); 20 phút/1 chuyến vào khung giờ sáng sớm và ban đêm.
Vị trí đón khách tại Nhà ga hành khách T1 (cánh A, tầng 1) và Nhà ga hành khách T2 (cột số 11-12, làn số 2, tầng 1). Xe được nhận diện bởi logo NIA cùng màu sắc là màu xanh lá cây pha trắng.
Xe buýt điện nối chuyến miễn phí có sức chứa lên tới 67 người, sạch sẽ, có điều hoà, camera, có khu vực ghế để phục vụ khách sử dụng xe lăn, trẻ em, người già.
Hành khách có thể dễ dàng nắm bắt lộ trình di chuyển của xe qua hệ thống loa phát thanh gắn trên xe hoặc ứng dụng iNIA trên điện thoại thông minh của cá nhân hành khách. Xe cung cấp Wifi miễn phí, có cổng sạc USB, và màn hình hướng dẫn sử dụng dịch vụ cho người khiếm thính.
Đưa vào khai thác 4 ga mới trên tuyến đường sắt Bắc - Nam
Bộ GTVT vừa quyết định đưa vào khai thác, sử dụng 4 ga mở mới gồm thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn (Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM) trong tháng 7/2023.
4 ga mở mới gồm Phong Phú (xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận); Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận); Cam Thịnh Đông (xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) và ga Hàm Liêm (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận).
Đây đều là các ga kĩ thuật có chức năng sử dụng là nhường, tránh tàu, không đón/trả khách.
Tổng công ty Đường sắt VN có trách nhiệm ban hành đầy đủ quy tắc quản lý kĩ thuật ga phù hợp với chức năng; Đào tạo nghiệp vụ cho các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp chạy tàu để đảm bảo an toàn; Quản lý, khai thác theo đúng công năng thiết kế và phương án quản lý, khai thác được phê duyệt, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
An Nguyễn