Reuters đưa tin, Trung Quốc đang có kế hoạch đầu tư hơn 6 tỷ nhân dân tệ (830 triệu USD) vào một dự án do chính phủ chỉ đạo nhằm phát triển pin thể rắn. Đã có 6 công ty đủ điều kiện nhận tài trợ của nhà nước để nghiên cứu công nghệ thế hệ tiếp theo.
Pin thể rắn hứa hẹn sẽ cải thiện độ an toàn, tuổi thọ dài hơn và sạc nhanh hơn so với pin lithium-ion thông thường sử dụng chất điện phân lỏng dễ cháy. Tuy nhiên, việc áp dụng đại trà vẫn còn xa vời do hạn chế về nguồn nguyên liệu thô, quy trình sản xuất phức tạp và chi phí cao.
Trung Quốc cũng đang tìm cách củng cố vị trí dẫn đầu trên thị trường xe điện toàn cầu sau khi đầu tư mạnh mẽ và sớm vào chuỗi cung ứng nội địa đã giúp nước này trở thành nhà sản xuất pin và xe điện có chi phí cạnh tranh nhất trên thế giới.
Những công ty được chọn bao gồm nhà sản xuất pin CATL, BYD, FAW, SAIC và Geely.
Thông tin về việc nhận được tài trợ để phát triển pin thể rắn hiện vẫn chưa được các công ty đưa ra bình luận chính thức nào. Nhiều quan chức và nhà phân tích trong ngành ô tô kỳ vọng pin thể rắn sẽ quyết định khả năng cạnh tranh của xe điện thế hệ tiếp theo ra sao. Một số nhà sản xuất ô tô toàn cầu cũng đang nghiên cứu công nghệ này với hy vọng phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc trong công nghệ pin xe điện hiện nay.
Toyota Motor của Nhật Bản trước đó cũng cho biết họ có kế hoạch tung ra các phương tiện chạy bằng pin thể rắn trong vài năm tới. Về phần hãng xe điện của Mỹ là Tesla cũng chưa công bố chi tiết về bất kỳ kế hoạch phát triển nào về pin trạng thái rắn.
Nguyên Đỗ