Doanh nghiệp "gà đẻ trứng vàng"
VEAM có vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 88,47% do Bộ Công Thương quản lý. VEAM hoạt động trên 3 mảng kinh doanh chính: Cơ khí chế tạo máy động lực, máy nông nghiệp; sản xuất, chế tạo lắp ráp ô tô, xe máy; và công nghiệp phụ trợ.
Từ năm 1995, VEAM cùng tới Toyota Nhật bản và Công ty KUO Singapore thành lập Công ty liên doanh Toyota Việt Nam. Sang năm 1996, VEAM cùng Honda Nhật Bản và Honda Châu Á thành lập Công ty liên doanh Honda Việt Nam (HVN).
Tính đến nay VEAM sở hữu 20% vốn điều lệ Công ty Honda Việt Nam, 30% vốn điều lệ Công ty Toyota Việt Nam và 25% vốn điều lệ Công ty TNHH Ford Việt Nam. Đây là những liên doanh “đẻ trứng vàng” cho VEAM những năm qua. Kết quả kinh doanh của VEAM phụ thuộc rất lớn vào tình hình hoạt động của những “ông lớn” ô tô, xe máy này.
Kết quả kinh doanh năm 2023, giá trị phần vốn chủ sở hữu của VEAM trong các hãng xe nói trên lần lượt là 4.280 tỷ đồng (tại Honda Việt Nam), 545 tỷ đồng (tại Toyota Việt Nam) và 374 tỷ đồng (tại Ford Việt Nam). Tổng lợi nhuận được chia từ ba liên doanh này năm ngoái (6.807 tỷ đồng), cao hơn lợi nhuận được chia năm 2022 (5.326 tỷ đồng).
Theo dữ liệu từ UPCoM, liên tục từ khi lên sàn vào năm 2018 đến nay, VEAM luôn đều đặn trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Trước đó, năm 2023, công ty cũng đã chi gần 5.570 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ rất cao lên đến 41,869% (1 cổ phiếu nhận 4.186,9 đồng).
Ngày 20/6 tới, VEAM sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông tại Hà Nội. Theo tài liệu trước cuộc họp, tổng công ty này sẽ trích 6.690 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông với tỉ lệ mỗi cổ phiếu nhận về hơn 5.035 tỷ đồng.
Năm nay, Bộ Công Thương chưa có ý kiến về việc chấp thuận phân phối lợi nhuận năm 2023 của VEAM. Theo đó, HĐQT VEAM sẽ trình ĐHĐCĐ ủy quyền để HĐQT quyết định việc phân phối lợi nhuận theo ý kiến của Bộ Công Thương và lựa chọn thời điểm chi trả cổ tức năm 2023 phù hợp với quy định pháp luật, điều lệ công ty.
Kết giao dịch phiên ngày 11/6, cổ phiếu VEA của VEAM leo lên vùng 47.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 30% sau một tháng. Nhờ vậy, vốn hóa của công ty cũng đẩy lên hơn 63.118 tỷ đồng (xấp xỉ 2,5 tỉ USD). Với mức vốn hóa nêu trên, VEAM cũng là doanh nghiệp giá trị nhất ngành ô tô và là một trong những doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán Việt.
Năm 2024 công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 6.413,8 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 5.488,9 tỷ đồng, giảm gần 19% so với năm 2023 (chưa bao gồm trích lập bổ sung hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối năm).
Miễn nhiệm ông Phan Phạm Hà
Như đã đưa tin, VEAM cho biết Công an TP.Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phan Phạm Hà (Tổng Giám đốc VEAM) về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra về quyết định trên được Tổng Công ty VEAM xác nhận từ ngày 10/6.
Trong ngày 10/6, VEAM đã miễn nhiệm chức Tổng giám đốc với ông Phan Phạm Hà với lý do bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, hiệu lực từ ngày 10/6.
Bên cạnh đó, cũng trong ngày 10/6, VEAM thực hiện miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng đối với bà Nguyễn Thị Mai Hương do vi phạm quy định lao động của Công ty, thời gian miễn nhiệm từ ngày 10/6.
Ông Hà đi lên từ chuyên viên kế toán tại Công ty vật tư và thiết bị toàn bộ thuộc VEAM giai đoạn 1997 - 1998. Trải qua nhiều ví trị, ông Hà làm tổng giám đốc VEAM từ tháng 12/2023 đến nay.
Trước đó, đầu tháng 10/2023, ông Nguyễn Thanh Giang (nguyên Tổng Giám đốc VEAM) và ông Hồ Mạnh Tuấn (Phó Tổng giám đốc VEAM) bị Công an Hà Nội khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.