Ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng cục Thuế Xuất nhập khẩu, tổng cục Hải quan cho biết, số nợ của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô hiện nay đã rơi vào khoảng 1.000 tỷ đồng, đa phần là các khoản nợ khó đòi và còn nhiều vướng mắc, khiếu kiện.
Trong số nợ này, đa phần lại tập trung ở cục hải quan TP.HCM với các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô lớn như Tân Thành Đô, Hoàng Phương Minh, Trường Hải, Long Sơn Nguyễn,…
Chỉ riêng Tân Thành Đô, số nợ sau kiểm tra sau thông quan vẫn còn tới 669 tỷ đồng (công ty này mới nộp được 50 tỷ đồng theo quyết định trước đó gần 750 tỷ đồng). Công ty Hoàng Phương Minh có số nợ tới 57 tỷ đồng nhưng không đồng ý với quyết định truy thu của cơ quan hải quan và đang khiếu nại. Hải quan cũng đang tiến hành giải quyết theo quy định.
Riêng với trường hợp của công ty Trường Hải và công ty Long Sơn Nguyễn thì không chỉ dừng ở mức độ khiếu nại, cả hai đều đã đưa vụ việc ra tòa và tòa án cũng đang thụ lý hồ sơ.
Theo đại diện tổng cục Hải quan, việc tranh chấp về những khoản phải cộng thêm sau kiểm tra sau thông quan giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Trong các vụ tranh chấp, khiếu nại này, cơ quan hải quan luôn lắng nghe, đối thoại để đi đến được những kết quả thuyết phục nhất. Ví dụ gần đây nhất là công ty VinaMazda, cơ quan hải quan cũng đã có hủy quyết định ấn định thuế trước đó.
“Trong số nợ thuế của cơ quan hải quan TP.HCM về ấn định thuế ô tô thì chúng tôi cũng đang đối thoại với doanh nghiệp để xử lý. Đây không phải là nợ thuế do doanh nghiệp nhập hàng không trả thuế mà do kiểm tra sau thông quan ấn định”, đại diện tổng cục Hải quan cho biết.
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nợ các khoản thuế phát sinh từ kiểm tra sau thông quan với số tiền vô cùng lớn. |
Nguyên nhân của việc chây ỳ nộp thuế và khiếu kiện như kể trên xuất phát từ những bất đồng về quan điểm của doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong việc ấn định thuế sau kiểm tra sau thông quan.
Theo quy định, từ sau ngày 1/7/2013, doanh nghiệp sau khi nộp đủ các khoản thuế mới được nhận hàng nhập về. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi tiếp đó, nếu cơ quan hải quan phát hiện những dấu hiệu bất thường về hàng hóa thì có quyền tổ chức tham vấn kiểm tra sau thông quan. Quá trình này, cơ quan hải quan có quyền ấn định về trị giá, đặc biệt là với các doanh nghiệp ô tô. Việc xác định trị giá trên thực tế khá phức tạp, có nhiều khoản theo quan điểm của doanh nghiệp thì không phải nộp nhưng cơ quan hải quan lại căn cứ vào quy định chính sách thì vẫn yêu cầu doanh nghiệp thực hiện. Việc bất đồng về quan điểm này đã dẫn đến một số doanh nghiệp khiếu nại ra tòa án suốt thời gian qua.