Quy định được áp dụng với các trạm dừng nghỉ mới xây dựng trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ hay đường tỉnh. Bên cạnh việc phải lắp đặt trụ sạc, các trạm dừng nghỉ loại 1 và loại 2 còn phải dành ra ít nhất 10% tổng số bãi đỗ cho việc sạc xe điện. Việc đầu tư vào hạ tầng cần thiết như trụ sạc, thiết bị sạc sẽ phụ thuộc vào nhu cầu và các giai đoạn đầu tư khác nhau.
Theo quy định hiện nay, trạm dừng nghỉ loại 1 có diện tích từ 10.000 m2 trở lên, khu vực đỗ xe rộng khoảng 5.000 m2 trở lên. Loại 2 có diện tích khai thác tối thiểu từ 5.000 m2 trở lên, bãi đỗ từ 2.500 m2 trở lên. Các trạm dừng nghỉ loại 1, 2 thường bố trí trên các tuyến cao tốc hoặc quốc lộ lớn.
Đối với các trạm dừng nghỉ loại 3 và 4, với diện tích tối thiểu lần lượt là 3.000 m2 và 1.000 m2, việc bố trí bãi đỗ xe điện chiếm 10% tổng bãi đỗ được khuyến khích nhằm thúc đẩy sử dụng xe điện.
Với những trạm dừng nghỉ đã đưa vào khai thác trước ngày Thông tư có hiệu lực (5/10), chủ sở hữu phải hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình, bao gồm trạm sạc và khu vực đỗ cho xe điện theo quy chuẩn trước ngày 1/1/2027.
Mặc dù yêu cầu lắp trụ sạc nhưng cơ quan chức năng hiện vẫn chưa quy định rõ quy chuẩn nguồn sạc như thế nào, sạc nhanh hay chậm, một chiều (DC) hay xoay chiều (AC).
Theo thống kê, hiện nay Việt Nam mới chỉ có VinFast có hệ thống trạm sạc phủ sóng tại 80 trên tổng số 85 thành phố trên cả nước với 150.000 cổng sạc. Một số hãng xe khác như: Porsche, Audi hay Mercedes-Benz cũng có trạm sạc công cộng nhưng số lượng vẫn còn ít và hạn chế.
Anh Nguyễn