Nồng độ cồn là 0,000 mg/L khí thở vẫn bị yêu cầu giảm trừ 30% chi phí
Theo phản ánh trên Báo Giao thông mới đây, một khách hàng mua bảo hiểm BSH tố hãng này chây ỳ bồi thường sau vụ ô tô tông vào đàn trâu.
Theo đó, rạng sáng ngày 7/11/2022, xe ô tô 16 chỗ biển số 68F-000.85 được điều khiển bởi ông Trần Quốc Tuấn xảy ra tai nạn do va chạm với đàn trâu đi qua đường tại Km72 +400 Quốc lộ 61 thuộc địa phận xã Định Hòa (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) khiến ô tô bị hư hỏng phần đầu xe. Chi phí sửa chữa ô tô hết 102,8 triệu đồng.
Sau khi tai nạn xảy ra, chủ xe đã giữ nguyên hiện trường và thông báo cho tổng đài bảo hiểm BSH An Giang, sau đó gửi hồ sơ cho bảo hiểm BSH An Giang để yêu cầu bồi thường thiệt hại vật chất. Sau đó, BSH đã yêu cầu khách hàng giảm trừ 30% số tiền bồi thường thì mới thanh toán trong khi vụ việc không hề vướng điều khoản giảm trừ nào trong quy tắc bảo hiểm của BSH đã ban hành.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Thanh Thuận, giám đốc BSH An Giang cho biết tại thời điểm xảy ra tai nạn, phía bảo hiểm yêu cầu khách hàng đi kiểm tra nồng độ cồn, nhưng hai tuần sau phía khách hàng mới cung cấp phiếu xét nghiệm nồng độ cồn đã có hiệu chỉnh, nên BSH không chấp nhận. Về vấn đề này, khách hàng lại cho biết, ngay sau khi xảy ra tai nạn (rạng sáng 7/11), từ 3h30 đến 5h30, lái xe Trần Quốc Tuấn đã đi 3 bệnh viện (Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang, bệnh viện đa khoa Bình An, Trung tâm y tế huyện Châu Thành), nhưng các bệnh viện không có người tiếp nhận để test nồng độ cồn. Đến 7h30 sáng 7/11, lái xe đã tới Phòng CSGT công an tỉnh Kiên Giang, gặp cán bộ CSGT thụ lý sự việc và yêu cầu được test nồng độ cồn bằng máy của ngành công an, máy cho kết quả nồng độ cồn là 0,000 mg/L khí thở.
Được biết, phía BSH An Giang đã phê duyệt mức bồi thường 70 triệu đồng nhưng khách hàng không đồng thuận, yêu cầu phải bồi thường 100% tổn thất (khoảng hơn 100 triệu đồng). Vì vậy, vụ việc đã xảy ra hơn 1 năm, tới nay chủ xe vẫn chưa được bồi thường bảo hiểm.
Nồng độ cồn tự nhiên cũng bị từ chối bảo hiểm
Trước đó, theo báo Việt Nam Net, ngày 3/6/2022, anh Thông Minh Chánh (Tân Thành, Hàm Tân, Bình Thuận) điều khiển ô tô Hyundai Creta mới mua được 2 tháng đi trên đường Pasteur (phường 6, quận 3, TP.HCM) thì đâm vào xe ô tô phía trước. Vụ va chạm giữa hai xe khiến giao thông ùn tắc nên anh Chánh đã trao đổi nhanh, đồng ý bồi thường cho xe phía trước, chụp ảnh lại hiện trường và báo đường dây nóng của bảo hiểm BSH Sài Gòn. Chiếc xe sau đó được cứu hộ chở đến đại lý Hyundai Trường Chinh để kiểm tra.
Anh Chánh được tư vấn viên bảo hiểm yêu cầu đi xét nghiệm nồng độ cồn trong máu. Kết quả xét nghiệm sau tai nạn khoảng 5 tiếng là 2,94 mg/dL tại Trung tâm y tế Hòa Hảo, đồng thời giấy xét nghiệm cũng ghi rõ “Negative <10 mg/dL” có nghĩa nằm dưới giới hạn tham chiếu nồng độ cồn được coi là dương tính, thậm chí dưới ngưỡng 50,23 mg/dL được coi là hoàn toàn tự nhiên (theo Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23/1/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, khi xét nghiệm mà có kết quả nồng độ cồn trong máu dưới 10,9 mmol/L (tương đương 50.23 mg/dl hoặc 0.5023 mg/ml) thì được coi là không có).
Anh Thông Minh Chánh khẳng định trong 2 ngày trước tai nạn không hề đụng đến bia rượu và với kết quả trên, anh tự tin mình sẽ được bảo hiểm BSH Sài Gòn chi trả cho các thiệt hại phải sửa chữa.
Tuy nhiên, ngày 9/6/2022, phía bảo hiểm BSH Sài Gòn lại gửi thông báo từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm của khách hàng. Lý do từ chối của đơn vị này là “lái xe điều khiển xe trên đường mà có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở, sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật”.
Trong khi đó, theo bác sĩ Vũ Hữu Bằng, Trung tâm xét nghiệm Y Khoa Dr.labo thì kết quả xét nghiệm của anh Chánh là hoàn toàn bình thường. “Chỉ số nồng độ cồn 2,94 mg/dL là hoàn toàn tự nhiên do thức ăn lên men. Hay nói cách khác, bất kỳ ai khi bị đưa đi xét nghiệm máu thì cũng đều có thể có nồng độ cồn trong máu dù cho cả đời chưa bao giờ đụng đến dù chỉ một giọt rượu bia.”
Một vụ việc khác có liên quan cũng được dư luận đặc biệt quan tâm là ngày 15/3/2023, TAND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã ban hành phán quyết buộc bị đơn là Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (Bảo hiểm BSH) phải bồi thường cho nguyên đơn là ông Tạ Văn Phong (chủ xe Mitsubishi Xpander BKS 30G-873.47) số tiền 299,3 triệu đồng và lãi trả chậm 29,1 triệu đồng. Tổng số tiền bảo hiểm BSH phải bồi thường cho ông Phong là 328,5 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị này cũng phải chịu toàn bộ án phí sơ thẩm là 16,4 triệu đồng, tương ứng 5% giá trị bồi thường.
Trước đó, chiếc Mitsubishi Xpander gặp tại nạn tại Km 54+200 thuộc địa bàn thị trấn Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) hồi tháng 2/2021 do ông Lê Tiến Dũng điều khiển (được chủ xe Tạ Văn Phong cho mượn). Khi đó, do trời mưa và tầm nhìn lái xe bị ảnh hưởng, ông Dũng đã bị mất lái và tông vào chị Nguyễn Thị Ngọc đang đi xe đạp điện sau đó tiếp tục đâm vào nhà dân rồi dừng lại.
Sau cú va chạm mạnh, chiếc Xpander và xe đạp điện đều bị hư hại nặng nề. Ông Dũng và chị Ngọc bị thương, được cấp cứu tại bệnh viện Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Tại bệnh viện, kết quả nồng độ cồn trong máu của ông Dũng khi lái xe là 1.85mmol/L, dưới ngưỡng bình thường của người sử dụng rượu, bia. Dựa theo kết quả xét nghiệm, ngày 30/11/2021 cơ quan CSGT Hà Nội kết luận lái xe không vi phạm nồng độ cồn.
Do chiếc Mitsubishi Xpander có mua bảo hiểm của BSH nên chủ xe Tạ Văn Phong đã liên hệ với đơn vị trên để yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm. Ngày 24/3/2022, Bảo hiểm BSH ra văn bản từ chối bồi thường thiệt hại cho chủ xe Xpander với lý do lái xe Lê Tiến Dũng có nồng độ cồn trong máu là 1.85mmol/L, thuộc điểm loại trừ trong quy tắc bảo hiểm. Sau 2 lần khiếu nại đòi bồi thường nhưng bị BSH từ chối, chủ xe Tạ Văn Phong quyết định khởi kiện Bảo hiểm BSH, dẫn đến bản án sơ thẩm như đã nêu trên.
Sau 2 lần khiếu nại đòi bồi thường nhưng bị BSH từ chối với cùng lý do “lái xe dính nồng độ cồn”, chủ xe Tạ Văn Phong quyết định khởi kiện Bảo hiểm BSH, dẫn đến bản án sơ thẩm như đã nêu trên.
Bảo hiểm BSH lãi ròng hơn 8 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm
Theo báo cáo tình hình kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2023, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH – UPCoM: BHI) thì kết thúc quý III, BSH ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 607 tỷ đồng, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2022. Dù doanh thu phí bảo hiểm gốc của công ty đạt gần 714 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ nhưng phí nhượng tái bảo hiểm tăng 163% lên gần 203 tỷ đồng đã kéo lùi doanh thu của BSH.
Đáng nói, trong kỳ, bồi thường bảo hiểm tăng 15% lên gần 368 tỷ đồng và chi phí khác đi ngang so cùng kỳ với hơn 329 tỷ đồng kéo theo chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng khiến BSH lỗ gộp từ kinh doanh bảo hiểm gần 46 tỷ đồng.
Kết quả, BSH báo lỗ gần 42 tỷ đồng trong quý III/2023, tăng thêm gần 40 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Dù trong kỳ, lãi gộp từ hoạt động tài chính của công ty tăng từ 22 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước lên 32 tỷ đồng và đã tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp xuống còn 29 tỷ đồng so với mức 34,5 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, BSH ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm là 1.941 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 2.209,5 tỷ đồng, tăng 4,09%. Công ty báo lãi ròng hơn 8 tỷ đồng, giảm một nửa so với khoản lãi 19 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)