Trump 2.0
Thật khó để phân biệt rạch ròi giữa những phát ngôn có phần khoa trương của ông Donald Trump và những chính sách có thể được áp dụng nếu ông đắc cử. Tuy nhiên, hướng đi trong nhiệm kỳ thứ hai của ông được Viện Lowy (Australia) đánh giá là sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới.
Theo phân tích của Viện Lowy, các chính sách đặc trưng của ông Trump có thể khiến nền kinh tế của Mỹ nói riêng và thế giới nói chung rơi vào trạng thái chia rẽ, thúc đẩy phân cực chính trị và tạo thành động lực buộc Mỹ phải thoái lui khỏi trạng thái hợp tác, cởi mở.
Ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế ít nhất 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Riêng Trung Quốc sẽ bị đánh thuế 60% trên diện rộng. Cựu tổng thống Mỹ cũng muốn Quốc hội thông qua Đạo luật Thương mại đối ứng, cho phép ông áp thuế đối với các sản phẩm cụ thể để đáp lại mức thuế những quốc gia khác áp đặt đối với Mỹ.
Thuế quan đối ứng về mặt lý thuyết có thể được sử dụng như những chiêu bài mặc cả để buộc các quốc gia khác phải mở cửa thị trường. Nhưng nhiều khả năng, chúng chỉ được sử dụng để cạnh tranh với các sản phẩm cụ thể.
Về mặt ngân sách, một chính sách quan trọng của ông Trump là gia hạn các khoản giảm thuế thu nhập sắp hết hạn được đưa ra theo Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm năm 2017 của ông. Ông Trump cũng hứa sẽ cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, nền chính trị Mỹ ngụ ý rằng bất kỳ khoản cắt giảm chi tiêu nào cũng có khả năng sẽ bị hạn chế. Điều đó có nghĩa là thâm hụt ngân sách lớn hơn.
Ông Trump có thể tìm cách bãi bỏ các chính sách công nghiệp quan trọng dưới thời Tổng thống đương nhiệm Biden như Đạo luật CHIPS và Khoa học và Đạo luật Giảm lạm phát - nhưng vì những chính sách này mang lại lợi ích đáng kể cho nhiều “tiểu bang đỏ” (các bang ủng hộ đảng Cộng hòa), nên thay vào đó, có thể ông sẽ chọn giữ nguyên phần lớn những nội dung trong chính sách này và thực hiện những điều chỉnh tương đối nhỏ.
Ông Trump cũng muốn hạn chế đáng kể tình trạng nhập cư bất hợp pháp, bao gồm thông qua việc mở rộng bức tường biên giới, thực thi pháp luật cứng rắn hơn, bỏ cấp phép lao động và trục xuất hàng loạt. Ở mức độ cực đoan, có thể 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp hiện đang cư trú tại Mỹ sẽ bị trục xuất.
Lạm phát và lãi suất cao hơn
Từ những chính sách mà ông Trump đã nêu, Viện Lowy dự đoán rằng lạm phát sẽ gia tăng. Hàng hóa đắt đỏ hơn do các biện pháp thuế quan, nhu cầu tăng do thâm hụt ngân sách lớn hơn và nguồn cung lao động giảm sẽ đẩy mức lạm phát lên cao. Điều này có nghĩa là lãi suất cao hơn cũng như đồng USD mạnh hơn khi có nhiều vốn hơn được rót vào Mỹ.
Điều khiến ông Trump phiền lòng là thâm hụt thương mại có khả năng sẽ tăng lên chứ không giảm xuống. Đồng USD cao hơn sẽ khiến hàng nhập khẩu rẻ hơn và hàng xuất khẩu kém cạnh tranh hơn, trong khi thâm hụt ngân sách lớn hơn sẽ làm tăng nhu cầu đối với nền kinh tế vốn đã hoạt động vượt công suất tối đa, một lần nữa khuyến khích nhập khẩu nhiều hơn và xuất khẩu ít hơn.
Vì thâm hụt thương mại được ông Trump coi là thước đo chính của thành công, nên thâm hụt cao hơn có thể sẽ thúc đẩy leo thang thuế quan.
Ông Robert Lighthizer - Đại diện Thương mại Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, một trong những cấp dưới quyền lực nhất của ông cho rằng nước Mỹ nên nhắm mục tiêu khiến đồng USD thấp hơn.
Việc đạt được mục tiêu này sẽ rất khó khăn nếu không có sự hợp tác tích cực của các nền kinh tế lớn khác - một điều dường như là không thể. Hành động đơn phương can thiệp tiền tệ trực tiếp của Bộ Tài chính Mỹ hoặc ông Trump nhằm gây sức ép buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải hành động sẽ tạo ra một cuộc chiến tiền tệ gây tranh cãi.
Tất cả những điều này phản ánh nền kinh tế trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Câu hỏi duy nhất, giống như trước đây, là ông ấy sẽ mạnh tay đến đâu? Lần này, những cái giá tiềm ẩn phải trả có thể sẽ cao hơn nhiều.
Nếu như Trump 1.0 đã gặp phải nhiều trở ngại bởi sự thiếu tổ chức và sự phản kháng từ nhiều cơ quan trong chính phủ, thì lần này đội ngũ tranh cử của ông được đánh giá là có sự tổ chức tốt hơn rất nhiều và hiện đã lên kế hoạch đưa những nhân vật trung thành với cựu tổng thống vào các vị trí quan trọng trong chính phủ.
Lỗ hổng toàn cầu
Nền kinh tế thế giới đang ở trong tình trạng khó khăn hơn nhiều so với thời điểm ông Trump đắc cử lần đầu tiên - vẫn chao đảo vì lạm phát cao, lãi suất tăng, xung đột Ukraine và hậu quả của đại dịch Covid-19.
Tăng trưởng toàn cầu vẫn yếu. Các hộ gia đình trên toàn thế giới đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Nợ công và thâm hụt ngân sách cao hơn nhiều. Các nước đang phát triển đặc biệt phải gánh chịu thiệt hại và tiến trình giảm nghèo toàn cầu đang bị đình trệ. Chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu đang gia tăng và trở nên khó có thể thay đổi.
Thế giới cũng đang nỗ lực thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế cần thiết để giải quyết những thách thức chung ngày càng cấp bách như chống biến đổi khí hậu, khôi phục phát triển toàn cầu, ngăn ngừa các đại dịch trong tương lai và quản lý sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo. Không giải quyết những thách thức chung này thì sự thịnh vượng toàn cầu sẽ suy giảm, bất ổn hơn và an ninh thấp hơn cho tất cả mọi người.
Theo Viện Lowy, các chính sách đặc trưng của ông Trump chưa đưa ra giải pháp nào cho các vấn đề của nước Mỹ.
Tự động hóa đồng nghĩa với việc đưa hoạt động sản xuất quay trở về nước Mỹ và trục xuất người nhập cư sẽ không mang lại nhiều việc làm cho tầng lớp lao động. Tăng thuế sẽ gây tổn hại lớn nhất đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp, trong khi cắt giảm thuế lại có lợi cho người giàu. Mức thâm hụt ngân sách thậm chí sẽ còn lớn hơn nhiều khả năng sẽ dẫn đến những cuộc tranh luận lớn hơn trong tương lai về việc ai sẽ phải gánh các khoản nợ đang tăng vọt của chính phủ.
Lưu Bình