Vùng Thủ đô dự kiến bổ sung cảng hàng không nội địa thứ 2
Ngày 14/7, Bộ Giao thông vận tải công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2030, cả nước có 30 cảng hàng không, sân bay; tầm nhìn đến năm 2050, cả nước sẽ hình thành 33 sân bay.
Hiện nay, Việt Nam có 22 cảng hàng không. Trong đó, có 10 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa. Đến năm 2030, cả nước sẽ hình thành 30 cảng hàng không. Hệ thống cảng hàng không theo mô hình trục nan với hai đầu mối vận tải chính tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Trong đó, 14 cảng hàng không quốc tế gồm 10 cảng hàng không hiện có, 3 cảng hàng không nội địa thành quốc tế, xây mới 1 cảng hàng không: Long Thành (Đồng Nai). 16 cảng hàng không nội địa gồm 9 cảng hàng không hiện có và xây mới 7 cảng hàng không.
Tầm nhìn đến năm 2050, cả nước có 33 cảng hàng không. Trong đó bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế, riêng cảng hàng không Hải Phòng thay thế cảng hàng không Cát Bi. 19 cảng hàng không nội địa gồm 16 cảng hàng không đã có; xây mới 3 cảng hàng không: Cao Bằng, Cát Bi (Hải Phòng), Nam Hà Nội.
Đáng chú ý, vùng Thủ đô dự kiến bổ sung cảng hàng không nội địa thứ hai để hỗ trợ sân bay Nội Bài khi đạt quy mô khoảng 100 triệu hành khách mỗi năm, đáp ứng mục tiêu hình thành hai trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế tầm cỡ khu vực tại vùng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
“Với số lượng cảng hàng không được quy hoạch như trên, bảo đảm đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, có hơn 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km, cao hơn mức trung bình của thế giới hiện nay (75%) và tương đương với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng khẳng định.
Cấp thiết xây dựng các trạm dừng chân trên cao tốc
Sau gần hai tháng đi vào khai thác, rất nhiều tài xế và hành khách phàn nàn về tình trạng thiếu trạm dừng chân trên các tuyến cao tốc cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Không riêng gì các tuyến này mà đường cao tốc về miền Tây gồm TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận cũng có tình cảnh tương tự.
Theo Ban quản lý dự án 7 (chủ đầu tư tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết), nhu cầu trạm dừng chân trên cao tốc là cấp thiết, cần sớm triển khai để phục vụ người dân. Đối với tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang được chủ đầu tư tích cực hoàn thiện, theo quy hoạch sẽ có hai trạm dừng chân trong giai đoạn 1.
“Bộ GTVT đang quyết liệt đầu tư ngay trong năm nay. Hiện đang lựa chọn tư vấn thiết kế và lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức xã hội hóa và nỗ lực khởi công trong tháng 10 này” - Ban quản lý dự án 7 thông tin.
Liên quan đến trạm dừng chân trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết hiện Bộ GTVT đang thiết kế, lập hồ sơ mời thầu và tuyển chọn nhà đầu tư,
Về trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết trong giai đoạn 1 của dự án cao tốc không có trạm dừng nghỉ. Theo đó, trạm dừng sẽ tách riêng thành một dự án khác do UBND tỉnh Tiền Giang triển khai.
Chia sẻ với Báo Pháp luật TPHCM, đại diện Công ty Tập đoàn Đèo Cả cho biết: “Đến nay trạm dừng chân này chưa được tiến hành thực hiện, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị tỉnh Tiền Giang sớm đầu tư để phục vụ hành khách vì đây là nhu cầu rất cấp thiết”.
Theo Bộ GTVT, trong quá trình xây dựng cao tốc đã xác định có những trạm dừng chân và có vị trí cụ thể. Theo đó, các trạm dừng chân sẽ được triển khai xã hội hóa, vị trí trạm dừng chân phù hợp với mạng lưới cao tốc.
Bộ GTVT cũng cho rằng các quy định của pháp luật giai đoạn trước chưa đầy đủ, rõ ràng nên việc triển khai xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn, chưa đồng bộ với việc xây dựng đường cao tốc.
Nguyễn Luận (Tổng hợp)