Xe máy cần thiết phải ban hành quy định về mức tiêu thụ nhiên liệu nhằm giảm ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+) |
Đây là một trong những nội dung chính được Cục Đăng kiểm Việt Nam đang tiến hành xây dựng và hoàn thiện dự thảo đề cương chi tiết Thông tư dán nhãn năng lượng đối với xe môtô, xe gắn máy.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tổng số xe đã đăng ký tại cơ quan Công an tính đến ngày 15/3/2018 là 3,76 triệu xe ôtô các loại và hơn 55,1 triệu môtô, xe gắn máy, trong đó xe máy là loại phương tiện giao thông đường bộ chủ yếu và tốc độ gia tăng về số lượng sẽ khoảng 10% trong những năm tới đây.
Phía Cục Đăng kiểm cho rằng, nhiên liệu tiêu thụ cho phương tiện cơ giới đường bộ theo đó cũng chiếm một tỷ trọng lớn và tăng lên đáng kế trong những năm tới. Hàng năm, phương tiện cơ giới đường bộ tiêu tốn khoảng 13 triệu tấn nhiên liệu xăng dầu các loại, trong đó chiếm khoảng 70% là cho xe cơ giới.
Theo kinh nghiệm của nhiều nước ở châu Á, xe môtô, xe gắn máy sẽ là một trong những đối tượng được lựa chọn vì chiếm một số lượng đáng kể và có tốc độ tăng trưởng mạnh. Do vậy, Việt Nam cũng chọn loại xe môtô, xe gắn máy là đối tượng sẽ được triển khai áp dụng dán nhãn năng lượng tiếp theo.
“Việc tiếp tục triển khai áp dụng dán nhãn năng lượng cho tất cả loại xe môtô, xe gắn máy là cần thiết trong thời gian tới,” lãnh đạo Cục Đăng kiểm khẳng định.
Đặc biệt, phía Cục Đăng kiểm đánh giá, xe môtô, xe gắn máy là loại phương tiện chiếm phần không nhỏ trong việc tiêu thụ dầu mỏ trong lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó vấn đề về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm khẳng định qua Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 và Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 9/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Quy định Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện”.
Theo Quyết định này, nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm xe môtô, xe gắn máy là đối tượng thuộc danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu.
Lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng đối với xe môtô, xe gắn máy được quy định tự nguyện đến hết ngày 31/12/2019 và bắt buộc từ ngày 1/1/2020.
Thông tư này quy định về việc dán nhãn năng lượng đối với xe môtô, xe gắn máy được sản xuất, lắp ráp hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng.
Theo ước tính của Tổ chức năng lượng thế giới, lượng xe cơ giới sẽ tăng lên gấp 3 lần vào năm 2050 trong đó 80% số lượng tăng lên là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Với việc ngày càng khan hiếm, cạn kiệt nhiên liệu dầu mỏ như hiện nay, Cục Đăng kiểm nhìn nhận, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc dãn nhãn năng lượng kiểm soát tiêu hao nhiêu liệu đối với phương tiện cơ giới trong ngành giao thông vận tải là đặc biệt cần quan tâm tới.
Với chương trình dán nhãn tiêu thụ năng lượng cho xe cơ giới, các loại xe khi được bán ra thị trường để lưu thông sẽ phải được thông tin một cách minh bạch về mức tiêu thụ nhiên liệu của xe theo một phương pháp và chu trình đo đã được thống nhất.
Mức tiêu thụ nhiên liệu này sẽ được ghi trên nhãn năng lượng dán trên xe để cung cấp cho khách hàng lúc mua xe biết những thông tin cần thiết liên quan đến mức tiêu thụ nhiên liệu. Mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ do nhà sản xuất đăng ký, công bố và có sự kiểm tra, xác nhận của cơ quan quản lý về thông tin công bố.
Thông qua việc dán nhãn năng lượng trên xe, thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ được minh bạch và chính xác nên nó giúp cho người tiêu dùng có sự lựa chọn cũng như các nhà quản lý hoạch định được chiến lược cho việc sử dụng nhiên liệu tiết kiệm và hiệu quả cũng như định hướng tới những chủng loại xe sử dụng cho tương lai thông qua các công tác làm chính sách như khuyến khích, ưu đãi về thuế, phí đăng ký... Chương trình dán nhãn năng lượng sẽ là tiền đề cho việc quy định mức tiêu thụ nhiên liệu cho các loại xe trong tương lai.
Được biết, trên thế giới nhiều nước đã, đang và sẽ tích cực thực hiện việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua các chương trình như dãn nhãn năng lượng, mức tiêu thụ nhiên liệu tiết kiệm, đánh thuế nhiên liệu, lái xe sinh thái, chương trình bảo dưỡng xe...
Chương trình dán nhãn năng lượng đã được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới như châu Âu (EU), Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ. Ở khu vực Đông Nam Á có Singapore, Thái Lan cũng đang triển khai áp dụng việc dán nhãn năng lượng./.
Theo đó, từ 1/7/2018 kiểm tra khí thải với xe môtô có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên tham gia giao thông tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng (ước tính tổng cộng khoảng 20.000 xe).
Giai đoạn sau năm 2020, kiểm tra, đánh giá báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở triển khai giai đoạn tiếp theo với xe môtô có dung tích nhỏ hơn 175cm3 và xe gắn máy tham gia giao thông.
Theo VietnamPlus