Xử lý phương tiện vận tải che biển số khi qua trạm cân tự động
Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, qua theo dõi trên hệ thống phần mềm kiểm soát tải trọng xe của Cục Đường bộ Việt Nam và phản ánh của người dân, doanh nghiệp về đường dây nóng của Cục Đường bộ Việt Nam, thời gian gần đây có hiện tượng các phương tiện che biển kiểm soát, chở hàng quá tải trọng lưu thông trên QL.5, đoạn qua khu vực đặt bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động tại Km78/QL.5, TP. Hải Phòng.
Tình trạng này là hành vi cố tình vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải, gây bức xúc cho người dân sinh sống quanh khu vực.
Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Khu Quản lý đường bộ I thường xuyên trích xuất, rà soát dữ liệu để phát hiện các phương tiện vi phạm như nêu trên kịp thời chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý theo quy định. Kiểm tra và khắc phục ngay, triệt để sự cố nguồn cấp điện đã xảy ra nhiều ngày nay dẫn đến các bộ cân gián đoạn hoạt động.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TP. Hải Phòng chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra, kiểm soát ưu tiên sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.
TP.HCM cho thuê vỉa hè từ 1/9
UBND TP.HCM đã chính thức ban hành Quyết định 32/2023 về quản lý, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/9 tới.
Theo Sở GTVT TP.HCM - đơn vị thực hiện đề án thu phí vỉa hè, lòng đường, đối tượng sử dụng là những tổ chức, cá nhân có đăng ký cư trú, đăng ký hoạt động kinh doanh. Các trường hợp sử dụng tạm thời một phần hè phố phải được cấp phép và phải nộp phí theo quy định; chịu trách nhiệm về bảo đảm trật tự, ATGT theo phương án đã được cơ quan quản lý đưa ra.
Những điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa phải thuộc danh mục do UBND cấp huyện và TP Thủ Đức ban hành trên cơ sở thống nhất của sở GTVT, công an thành phố, sở tài nguyên và môi trường về các danh mục tuyến đường vỉa hè, lòng đường đủ điều kiện được sử dụng kinh doanh.
Những tuyến đường được cho thuê phải đảm bảo điều kiện có tối thiểu 1,5m bề rộng cho người đi bộ và hai làn ô tô cho một chiều đi.
Một số trường hợp không cần cấp phép (miễn thu phí) như tổ chức đám cưới, đám tang... nhưng phải thông báo cho UBND cấp xã, phường để được hướng dẫn, hỗ trợ.
Nếu sử dụng ngoài mục đích giao thông phải bảo đảm phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn ô tô cho một chiều lưu thông; trường hợp đặc biệt do UBND TP.HCM quyết định.
“Như vậy, yêu cầu để sử dụng vỉa hè là dù rộng hay hẹp vẫn phải ưu tiên dành cho người đi bộ 1,5m và hai làn ô tô cho một chiều đi đối với lòng đường. Phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông”, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết.
Về mức phí, trước đó sở GTVT đã dự thảo mức thu sử dụng vỉa hè để kinh doanh là 20.000 - 100.000 đồng/m2/tháng; để trông giữ xe là từ 50.000 - 350.000 đồng/m2/tháng, tùy theo vị trí các tuyến đường.
Sở GTVT tính toán việc thu phí có thể mang lại nguồn thu cho ngân sách thành phố khoảng 1.522 tỷ đồng mỗi năm (lòng đường 550 tỷ đồng/năm, vỉa hè 972 tỷ đồng/năm). Số tiền này được nộp toàn bộ vào ngân sách thành phố để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.
Xử nghiêm tình trạng ''xe dù, bến cóc''
Ngày 28/7, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý "xe dù, bến cóc", "xe trá hình tuyến cố định" trên địa bàn.
Theo đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm nêu trên, tạo môi trường kinh doanh vận tải hành khách cạnh tranh lành mạnh, Bộ GTVT đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá kết quả thực hiện của các sở GTVT.
Theo Bộ GTVT, đến nay tại một số tỉnh, thành phố tình trạng xe kinh doanh có phù hiệu xe hợp đồng, có biển hiệu xe du lịch vi phạm, hoạt động như tuyến cố định, bên cạnh đó tình trạng các nhà xe sau khi xuất bến nhưng đi chậm để đón trả khách trên đường gây mất an toàn giao thông và bức xúc cho người dân. Vấn nạn này tồn tại hàng ngày, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Mặc dù những xe này vẫn đi theo tuyến cố định có vào bến đón trả khách nhưng vẫn đón trả khách ngoài bến.
Bên cạnh đó, việc nhiều đơn vị kinh doanh vận tải lập văn phòng đại diện ở khu vực gần các bến xe để “lách luật”, tiến hành đón/trả khách, bốc xếp hàng hóa gây mất trật tự, an toàn giao thông. Thậm chí, tại điểm đã có cắm biển cấm dừng và đỗ xe nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn mở văn phòng để dừng xe trả khách/trả hàng.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, ngoài việc thanh tra, kiểm tra các lái xe, nhà xe chở khách, cần giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ quy định pháp luật về giao thông, tránh tình trạng bạ đâu đón xe đấy, xuống chỗ nào cũng được. Việc tuyên truyền và xử phạt cần song song tiến hành, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.
Bắt đầu tổng kiểm soát ô tô khách, xe container trên toàn quốc
Theo Bộ Công an, kế hoạch tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải hành khách và ô tô vận tải hàng hóa bằng container đã bắt đầu được triển khai trên toàn quốc từ hôm nay (1/8).
Giai đoạn 1 (từ ngày 1/8-14/8), lực lượng CSGT toàn quốc sẽ tuyên truyền vận động chủ xe, chủ doanh nghiệp và lái xe chấp hành pháp luật, ký cam kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Giai đoạn 2 (từ ngày 15/8-15/10), công an các đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân tuần tra, kiểm soát và tiến hành xử lý các vi phạm.
Việc tổng kiểm soát sẽ được cụ thể hóa theo điều kiện, tình hình địa phương và thực hiện đồng bộ ở cả 4 cấp công an theo chức năng, nhiệm vụ, tuyến, địa bàn được phân công phụ trách.
Thành Đô (tổng hợp)