Những chiếc Minsk đời mới vừa xuất hiện tại Việt Nam. |
Minsk hay "Min-khờ" - Dòng xe côn tay gắn liền với nhiều thế hệ người Việt trong những tháng ngày gian khó. Tại Việt Nam, Minsk xuất hiện từ những năm 70 nhưng với số lượng không nhiều, đến những năm 80-90, khi phong trào đưa người đi lao động và học tập tại các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa lên cao, lượng Minsk được đưa về nước ngày càng nhiều. Sau khi Liên Xô tan rã, công nghệ chuyển giao cho Trung Quốc, nhưng chất lượng xe lắp ráp từ thời kỳ này bắt đầu giảm. Minsk nhanh chóng chiếm được cảm tình bởi các đặc điểm khỏe, chở được nặng, chạy đường địa hình tốt và giá rẻ hơn so với xe Nhật.
Nhưng cũng bởi nguyên nhân xe 2 thì, tiếng máy nổ to bạch bạch, nhiều khói, không mấy thanh lịch nên không xuất hiện nhiều ở thành phố mà chỉ ưa chuộng chủ yếu ở khu vực miền núi, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc và sử dụng vào mục đích chở vật nuôi, hàng hóa trên đường đèo núi quanh co. Cũng bởi hình thức sử dụng này mà Minsk được gắn cho cái tên không mấy mỹ miều, "xe chở lợn".
Mới đây một đơn vị tại Việt Nam đã chính thức đưa về dòng xe 2 bánh "huyền thoại" Minsk nhưng nay đã trang bị động cơ 4 thì. Hai mẫu xe đầu tiên về nước là chiếc Naked-bike Minsk D4 125 và chiếc xe cào cào (enduro) Minsk X250.
Mẫu Minks D4 125cc có giá 52 triệu đồng. |
Ở chiếc Naked-bike Minsk D4 125 giá 52 triệu đồng xe được trang bị động cơ 4 thì, một xi-lanh dung tích 125 phân khối, làm mát bằng gió, công suất 10,5 mã lực ở vòng tua máy 8.000 vòng/phút, kết hợp với hộp số 5 cấp. Xe dài 2.100 mm, rộng 770 mm, cao 1.110 mm. Khoảng sáng gầm 210 mm, trọng lượng 100 kg, bình xăng dung tích 12 lít.
Trong khi đó chiếc xe cào cào Minsk X250 động cơ 4 thì, xi-lanh đơn dung tích 225 phân khối, làm mát bằng gió, côn tay 5 số có giá bán tại Việt Nam lên tới 99 triệu đồng.
Bộ đôi xe Minsk mới cập bến Việt Nam không quá ấn tượng ở diện mạo và cũng chẳng mang trong mình động cơ 2 kỳ từng lên nên tên tuổi của chiếc xe Belarus. Sự thay đổi phù hợp với xu hướng ở động cơ cùng thiết kế mảnh mai hơn rất có thể sẽ khiến chiếc "Min khù khờ"" ngày nào gặp khó.
Anh Hoàng Thanh (Đống Đa, Hà Nội), người đang sử dụng một chiếc xe Minsk cũ cho hay: "Ngoại hình không quá ấn tượng, giá thành bản 52 triệu không phải vấn đề lớn tuy nhiên tôi lo ngại về phụ tùng, bảo dưỡng, sau bán hàng...". Trong khi đó Anh Sơn (Ba Đình, Hà Nội) lại khá thực tế: "Giá này thì nhập về đắp chiếu chứ bán ai mua? Xe gắn máy Đông Âu chỉ khỏe nhưng tốn xăng và không bền".
Thật vậy, nhiều người được hỏi bên cạnh việc khá ngần ngại để xuống tiền trước một mẫu xe mới sau nhiều năm mới quay trở lại. Họ còn tỏ ra băn khoăn về chính sách bảo hành, bảo dưỡng, sau bán hàng cũng như phụ tùng thay thế bởi Minsk là một dòng xe kén khách chứ không thực sự phổ dụng tại Việt Nam.
Dòng xe cào cao Minsk X250 chào giá ở mức 99 triệu đồng cho khách Việt. |
Để giải bài toán này thực sự Minsk tại Việt Nam phải có một chiến lược dài hơi, hệ thống đại lý cũng như chính sách bảo hành, bảo dưỡng chuyên nghiệp thì mới tạo ra một bức tranh doanh số sáng sủa cho chiếc xe thương hiệu Đông Âu. Bởi Minsk không thể sống mãi với quá khứ huy hoàng của mình khi có tới 90% xe được xuất khẩu ra thế giới trong đó có Việt Nam.
Thị trường nay đã khác, đã có nhiều sự lựa chọn hơn so với trước đây trong khi mức giá 52 triệu của chiếc D4 được đánh giá là ngất ngưởng chưa kể đến mẫu cào cào sát mốc 100 triệu. Liệu chiếc xe "Min khù khờ" ngày nào có "bừng sáng" tại Việt Nam hay vẫn "khù khờ" như chính cái tên ví von mà nhiều người đặt cho mẫu xe này.
HOÀNG SƠN