Bộ GTVT yêu cầu xả trạm thu phí khi ùn tắc kéo dài dịp Tết Nguyên đán
Bộ GTVT đã có công điện gửi các cơ quan, đơn vị ngành GTVT về bảo đảm TTATGT trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân năm 2023.
Công điện yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT tăng cường công tác kiểm tra, rà soát hệ thống vạch sơn, báo hiệu đường bộ, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế tiềm ẩn nguy cơ cao mất ATGT để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp; Khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở do mưa lũ gây ra. Khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, trong đô thị và trả lại lòng đường cho nhân dân đi lại 1 tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán;
Kiểm tra, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện, không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí.
Công điện nhấn mạnh: "Chủ động xả trạm (mở barie) để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài, nhất là trên các tuyến trục chính ra vào TP Hà Nội và Tp.HCM, các tuyến kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm (nhà ga, sân bay, bến cảng…) và khu vực tổ chức Lễ hội Xuân".
Lập đoàn kiểm tra vận tải trên 7 tỉnh
Bộ Giao thông Vận tải vừa quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán.
Đoàn công tác có nhiệm vụ kiểm tra ga hàng không, ga đường sắt, cảng, bến, đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Kiên Giang, Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên về công tác chuẩn bị phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Quý Mão năm 2023 sắp tới.
Ngoài các địa phương trên, Bộ Giao thông Vận tải cũng giao Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) căn cứ tình hình diễn biến thực tế để điều chỉnh, bổ sung đơn vị, địa phương kiểm tra và thông báo trước 2 ngày làm việc.
Đoàn kiểm tra cũng sẽ kiểm tra việc thành lập Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ thành viên ban chỉ đạo trong thực hiện công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa, bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại địa phương, đơn vị; Kế hoạch tăng cường vận tải phục vụ trong dịp Tết; Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết: chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, quản lý phương tiện người lái, hướng dẫn tuyên truyền, tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, kiểm soát ùn tắc giao thông.
Lạng Sơn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng làm cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng
HĐND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.
Theo lộ trình đặt ra, giai đoạn phân kỳ của dự án sẽ được thực hiện từ năm 2022, hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026.
Giai đoạn hoàn chỉnh được thực hiện đầu tư phù hợp với nhu cầu giao thông, dự kiến sau năm 2025. Trong điều kiện cho phép về thu xếp vốn, sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án.
Sơ bộ tổng mức đầu tư (giai đoạn phân kỳ) khoảng 10.620 tỷ đồng. Trong đó, vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 5.620 tỷ đồng (chiếm 52,92% tổng mức đầu tư), gồm: Vốn chủ sở hữu khoảng 1.124 tỷ đồng; Vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác khoảng 4.496 tỷ đồng.
Vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 5.000 tỷ đồng (chiếm 47,08% tổng mức đầu tư), gồm: vốn ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh 2.500 tỷ đồng.
Giá trị phần vốn nhà nước trong dự án sẽ được bố trí chi trả cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 1.502 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng công trình tạm và xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khoảng 3.498 tỷ đồng.
Bộ GTVT thúc tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm
Bộ GTVT vừa có đề nghị các chủ đầu tư/Ban QLDA đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn còn lại của kế hoạch năm 2022 và sớm giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2023 các dự án do Bộ GTVT quản lý.
Theo đó, đối với kế hoạch giải ngân năm 2022, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là các chủ đầu tư/Ban QLDA có tỷ lệ giải ngân tính đến ngày 31/12/2022 thấp hơn 95% phải rà soát, hoàn thiện các thủ tục giải ngân khối lượng đã thực hiện, bảo đảm giải ngân tối đa nguồn vốn kế hoạch năm 2022 đã được bố trí.
“Đối với giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2023, phải khẩn trương triển khai phân khai dự toán chi theo kế hoạch được giao, hoàn thành trước ngày 18/01/2023, đặc biệt các dự án trọng điểm, có nhu cầu giải ngân ngay từ đầu năm 2023 như: dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Rạch Miễu 2…
Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban QLDA cũng cần lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, quý, xác định “đường găng” giải ngân đối với từng dự án, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 20/01/2023 làm cơ sở cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện”.
Anh Nguyễn (tổng hợp)