"Hey, hey, be careful, cẩn thận chứ", Khải Nguyễn hét lên với người anh họ bằng cái giọng lơ lớ, khi cậu này lao từ đường nhánh ra đường chính mà không dừng lại quan sát trước biển Stop. Lý giải của tài xế là "anh đã liếc nhìn rồi, không có ai cả".
Khải sống ở Mỹ, về Việt Nam chơi cùng bố mẹ trong một kỳ nghỉ. Được người anh họ đưa đi nhiều nơi bằng ôtô, nhưng chưa lần nào cậu cảm thấy dễ chịu khi quan sát giao thông quê nhà. Không ai "lắng nghe" đèn giao thông và biển báo.
Biển Stop trên đường phố Hà Nội. |
Theo quy chuẩn 41/2016 về báo hiệu đường bộ, biển Stop có nghĩa là "dừng lại". Theo đó khi nhìn thấy biển này, các xe (kể cả xe ưu tiên) phải dừng lại trước biển hoặc trước vạch ngang đường, chỉ đi khi có tín hiệu hoặc nếu không có tín hiệu thì chỉ đi khi quan sát thấy đường thông thoáng, không có nguy cơ mất an toàn giao thông. Biển này được đặt ở đường không ưu tiên, nơi giao nhau với đường ưu tiên.
Anh Nguyễn Đoàn, một cảnh sát giao thông ở Thanh Hoá cho biết, anh chưa từng thấy một tài xế nào dừng hẳn xe trước loại biển báo này. Hầu hết mọi người phản xạ theo kiểu liếc mắt rồi đi ngay nếu không có xe khác.
Cách phản ứng này có thể nguy hiểm nếu như có những tình huống bất ngờ xảy ra như tài xế không kịp quan sát, xe trên đường ưu tiên chạy quá nhanh. Bên cạnh đó, nếu không dừng lại hẳn, những xe đi sau có thể chủ quan, chạy theo xe trước và gây tai nạn. Thực tế tại Việt Nam, đã có nhiều vụ va chạm giữa xe từ đường nhánh ra đường chính như vậy.
Nhiều tài xế thú nhận, họ không có khái niệm về việc phải dừng lại trước biển Stop, thậm chí không để ý rằng ở những ngã ba, ngã tư đi hàng ngày có loại biển đó. Việc chạy xe theo thói quen đang khiến các biển báo hiệu trở nên vô nghĩa.
Bên cạnh biển báo Stop, có nhiều loại vạch kẻ, biển báo khác mà tài xế và người tham gia giao thông Việt Nam không tuân thủ như vạch kẻ cho người đi bộ sang đường, biển báo khu có trường học, trẻ em qua đường, thậm chí là đèn tín hiệu.
Theo VnExpress