Singapore dùng AI và vệ tinh cho hệ thống thu phí không dừng
Thu phí không dừng (ETC) được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng, trong đó có Việt Nam mới triển khai. Trong số các nước thuộc Đông Nam Á, Singapore hiện đi đầu về triển khai hình thức này và đang mang lại hiệu quả lớn khi tạo ra nguồn doanh thu, đồng thời giảm ùn tắc giao thông. Đáng chú ý, quốc đảo sư tử ra mắt hệ thống từ năm 1989 nhưng tới 1998 mới chính thức triển khai với tên gọi Hệ thống định giá đường bộ điện tử (ERP).
Hệ thống hoạt động với 3 thành phần chính gồm cổng ERP đặt trên đường (cao tốc, dọc tuyến giao thông lưu lượng cao, không dùng thanh chắn), thiết bị thu phí gắn trên xe của người dân (IU) và thẻ trả phí tự động. Mỗi khi xe qua cổng ERP, thiết bị trên phương tiện sẽ tự động trừ trong thẻ trả trước, đồng thời màn hình của IU sẽ hiển thị số tiền bị trừ, số dư. Hiện có khoảng 78 ERP trên khắp Singapore và mức phí thu ở mỗi cổng sẽ tùy địa điểm, thời gian và loại phương tiện.
Không chỉ tạo lợi ích về mặt giao thông, ERP cũng mang về nguồn doanh thu "khủng" cho đơn vị vận hành. Theo Quỹ Bảo vệ môi trường Singapore, hệ thống thu phí không dừng tốn 200 triệu SGD (tương đương 125 triệu USD) để triển khai nhưng mang về doanh thu 80 triệu SGD (50 triệu USD) mỗi năm. Phí duy trì hằng năm khoảng 16 triệu SGD (10 triệu USD).
Theo kế hoạch, tới đây ERP sẽ không còn dùng camera để giám sát mà sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GNSS. Vệ tinh sẽ nhận diện và tính phí xe lưu thông mà không cần tới các cổng thu cố định trên đường.
IU cũng sẽ được thay thế bởi thiết bị mới mang tên OBU (On-board Unit) và người dùng có thể đăng ký đổi miễn phí. Cùng với GNSS, chủ phương tiện lưu thông sẽ được cập nhật thông tin về tình hình giao thông, mức phí dự tính khi di chuyển để lập kế hoạch cho hành trình của mình. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ có nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xác định chính xác biển số xe, thông tin về phương tiện và chi phí liên quan.
ERP của Singapore là giải pháp hiệu quả để quản lý và điều tiết giao thông cũng như giảm thiểu các chi phí về nhân công, vận hành. Hệ thống này chiếm ít diện tích hơn so với hình thức trạm thu phí truyền thống, lại không cần tới nhân viên bán vé.
Khi dùng hệ thống thu phí thủ công qua Area Licensing Scheme (ALS), lưu lượng xe tham gia giao thông tại quốc gia này giảm 45%, số vụ va chạm ít hơn 25%. Sau khi đưa ERP vào thực tiễn, lưu lượng xe giảm thêm 15%, tốc độ di chuyển được tối ưu và lượng người sử dụng phương tiện công cộng tăng gần 20%.
Thái Lan ứng dụng công nghệ thu phí cao tốc trả sau kết hợp AI (M-Flow)
M-Flow là hệ thống thanh toán phí tự động trả sau do Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan phát triển nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường cao tốc.
Theo Cục Đường cao tốc (DOH), M-Flow là hệ thống thu phí tự động, sử dụng AI. Cục khẳng định hệ thống có thể khớp biển số xe với chủ sở hữu chính xác 99%, cho phép tài xế băng qua các trạm thu phí mà không cần giảm tốc và với tốc độ tối đa 120km/giờ. Không chỉ có vậy, M-Flow có khả năng xử lý 2.000-2.500 phương tiện/giờ mỗi làn. DOH mong đợi M-Flow sẽ nhanh hơn 5 lần so với hệ thống thanh toán hiện nay.
Trong khi công nghệ ANPR nói trên chỉ có khả năng chụp lại hình ảnh biển số xe thì M-Flow lại kết hợp sử dụng máy quay video và công nghệ AI với độ chính xác lên đến 99%.
Theo đó, thanh toán có thể được thực hiện trực tiếp trên ứng dụng M-Flow, hoặc thông qua ứng dụng ngân hàng di động của người dùng bằng cách quét mã QR trên các hóa đơn được gửi đến.
Tuy nhiên, người dùng đăng ký lái xe qua cổng M-Flow chỉ có thể thanh toán trong vòng hai ngày. Nếu thanh toán chậm, ứng dụng sẽ yêu cầu người dùng trả gấp 10 lần phí cầu đường. Thậm chí, những người trốn tránh việc thanh toán có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt là cấm giấy phép lái xe.
Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Thái Lan Saksayam Chidchob cho biết ông yêu cầu phát triển hệ thống thu phí M-Flow để giải quyết tình trạng tắc nghẽn tại các điểm thu phí, tiến tới loại bỏ tất cả barie vào năm 2024.
Bộ GTVT Thái Lan đã mời các tài xế đăng ký dịch vụ và bắt đầu thử nghiệm hệ thống từ ngày 29/10 đến 28/11/2021. Hệ thống thu hút 20.609 lái xe tham gia giai đoạn chạy thử miễn phí. Sau một thời gian cải tiến liên tục, M-Flow chính thức triển khai từ ngày 15/2, bắt đầu từ các trạm Thap Chang 1, Thap Chang 2, Thanyaburi 1 và Thanyaburi 2 trên Xa lộ 9 (Bang Pa-In-Bang Phli).
Theo Bộ trưởng Chidchob, một khi hệ thống M-Flow được triển khai trên tất cả đường ô tô và cao tốc, hệ thống thu phí tiền mặt kiểu cũ như M-Pass và Easy Pass sẽ bị loại bỏ. Để đăng ký, tài xế phải cung cấp số điện thoại di động đang kích hoạt, thẻ căn cước, tài liệu đăng ký xe, ảnh mặt trước của xe. Nếu không phải chủ sở hữu phương tiện, phải có giấy ủy quyền từ chủ sở hữu.
Được biết, M-Flow tương thích với nhiều loại thanh toán, bao gồm thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, tài khoản ngân hàng, tài khoản M-Pass/Easy Pass, ngân hàng trực tuyến, ATM... Người dùng cài đặt để trả vào ngày 1 hoặc 16 hàng tháng, hoặc trả theo từng lần sử dụng. Tuy nhiên, hệ thống mới chưa áp dụng với các phương tiện mới dùng biển màu đỏ hoặc bị mờ.
Từ khi hệ thống được giới thiệu vào ngày 15/2, trung bình 60.000 xe sử dụng M-Flow mỗi ngày. Lái xe phải để ý các biển báo và bề mặt sơn của làn đường M-Flow (nằm bên tay phải). Những người không đăng ký vẫn có thể dùng làn này song phải trả phí trong vòng 2 ngày sau khi qua cổng, nếu không sẽ bị phạt gấp 10 lần phí ban đầu. Số tiền phạt sẽ tăng lên nếu không thanh toán trong vòng 12 ngày.
Nguyễn Luận (T/h)