Chốt thời gian chạy thử toàn tuyến metro số 1 vào 29/8
Tối 23/8, đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM cho biết buổi chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ diễn ra vào ngày 29/8.
Trước đó, nhà thầu Hitachi đã gửi văn bản đề xuất được tổ chức chạy thử vào ngày 31/8. Buổi chạy trình diễn có lộ trình từ ga Suối Tiên đến ga Bến Thành và ngược lại. Đơn vị này cũng cho biết số lượng hành khách trên tàu không quá 20 người.
Tuyến metro số 1 được chạy thử lần đầu tiên vào cuối năm 2022 với cự ly gần 9 km, từ ga Suối Tiên đến ga Bình Thái (TP Thủ Đức), vận tốc tối đa 20 km/giờ.
Giữa tháng 4 năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi trải nghiệm tuyến metro số 1. Cuối tháng 4, metro số 1 chạy thử nghiệm với lộ trình 12,3 km, bắt đầu từ ga Suối Tiên và kết thúc tại ga An Phú. Lần này, tàu chạy với tốc độ tối đa dưới 50 km/giờ.
Dự án tuyến metro số 1 được khởi công từ năm 2012 với tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng. Tuyến metro này dài 19,7 km, trong đó 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao. Công trình có 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Khi vận hành, tốc độ tối đa của tàu là 110 km/giờ (đoạn trên cao) và 80 km/giờ (đoạn hầm).
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, hiện toàn dự án đã hoàn thành hơn 95% khối lượng công việc. Đơn vị này cho biết đang nỗ lực phối hợp với các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm hoàn tất công tác thi công vào cuối quý IV/2023 và đưa vào vận hành thương mại.
Cấm ô tô qua cầu Thăng Long trong 3 đêm
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có văn bản về việc chấp thuận phương án phân luồng tổ chức giao thông trên tầng 2 cầu Thăng Long phục vụ công tác kiểm định, thử tải cầu Thăng Long.
Theo đó, từ 0 đến 4 giờ ngày 26 đến 28/8, các xe bị cấm chạy trên tầng 2 cầu Thăng Long để kiểm định, thử tải; tàu hỏa, xe máy đi bình thường ở tầng 1.
Các phương tiện hướng từ Bắc Từ Liêm sang Đông Anh có thể đi theo hướng Vành đai 3 trên cao - xuống đường Phạm Văn Đồng - Tân Xuân - An Dương Vương - cầu Nhật Tân. Vành đai 3 trên cao - xuống đường Phạm Văn Đồng - Tân Xuân - quay lại Phạm Văn Đồng - Đỗ Nhuận hoặc Hoàng Minh Thảo - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân. Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt - nút giao Bưởi - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân. Phạm Văn Đồng - Hoàng Minh Thảo - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân. Phạm Văn Đồng - Đỗ Nhuận - Xuân La - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân.
Các phương tiện hướng từ Đông Anh sang Bắc Từ Liêm có thể đi theo hướng đầu cầu Thăng Long - rẽ phải quay đầu dưới gầm cầu - đường Bắc Thăng Long (Vực Dê hoặc quay lại nút giao Kim Chung) - đường Hoàng Sa - cầu Nhật Tân.
Sở GTVT Hà Nội yêu cầu bố trí chốt cấm cứng không cho các phương tiện qua cầu, lắp đặt đầy đủ biển báo, rào chắn, đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng ban đêm cách vị trí chốt 200 m, nhắc lại tại 150 m, 50 m và tại vị trí chốt.
Lực lượng chức năng sẽ phân luồng từ xa tại lối lên cầu vượt Kim Chung (hướng đi cầu Thăng Long) để các xe rẽ phải theo vòng xuyến nút giao Kim Chung đi đường Hoàng Sa sang cầu Nhật Tân...
Yêu cầu xử lý tình trạng Cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây ngập như sông
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 6483/VPCP-CN ngày 23/8/2023 nêu rõ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẩn trương chỉ đạo xác định rõ nguyên nhân, có giải pháp xử lý triệt để tình trạng ngập cục bộ tại đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Cụ thể, xét báo cáo của Bộ GTVT về tình trạng ngập cục bộ tại đoạn tuyến km 25+369-km25+469 thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT khẩn trương chỉ đạo xác định rõ nguyên nhân.
Cùng với đó, Bộ GTVT có giải pháp xử lý triệt để, không để lặp lại tình trạng tương tự tại dự án này, cũng như các dự án khác.
Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng, tiến độ đầu tư xây dựng các dự án giao thông đường bộ do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, đảm bảo vận hành an toàn, thông suốt, hiệu quả sau đầu tư xây dựng.
Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, bên cạnh những chỉ đạo ban đầu để xử lý sự cố, khẩn trương đưa tuyến vào lưu thông bình thường, Bộ GTVT đã cử Đoàn công tác bao gồm: Các chuyên gia thủy văn có kinh nghiệm tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường, đánh giá chi tiết điều kiện địa hình, thủy văn thượng lưu và hạ lưu khu vực ngập, rà soát hồ sơ thiết kế cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Kết quả rà soát lại lưu vực và các thông số đầu vào cho thấy, vị trí cống km 25+419 được thiết kế với khẩu độ 2,5x2,5m là đáp ứng yêu cầu thoát nước của lưu vực tự nhiên phía thượng lưu cao tốc theo các số liệu thu thập được.
Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra ngập, dù lượng mưa chưa đạt tới tần suất tính toán nhưng cao độ đã lên đến 45,23m. Đây là yếu tố bất thường cần phải nghiên cứu, làm rõ.
Bộ GTVT cho biết sẽ xử lý nghiêm các chủ thể liên quan nếu để xảy ra các tồn tại ảnh hưởng đến chất lượng theo đúng hợp đồng đã ký kết" - Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Nam Lê (tổng hợp)