Yêu cầu kịp thời phát hiện bất cập ở các tuyến cao tốc khai thác tạm
Theo Bộ GTVT, hiện một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam như: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm... đã được Hội đồng kiểm tra Nhà nước tổ chức nghiệm thu và đưa vào khai thác tạm.
Để đảm bảo quản lý, vận hành khai thác an toàn, kết nối thông suốt với các tuyến đường hiện có tại các dự án thành phần được đưa vào khai thác tạm, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các Ban QLDA, Sở GTVT Ninh Bình, Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm thực hiện quản lý, vận hành khai thác tuyến đường tạm đến khi bàn giao chính thức.
Đồng thời, những đơn vị này cũng phải có trách nhiệm kịp thời phát hiện những bất cập, tồn tại phát sinh trong quá trình khai thác tạm để có phương án, chỉ đạo xử lý.
“Các đơn vị cũng phải tổ chức giám sát và chỉ đạo nhà thầu thi công, nhà thầu quản lý khai thác, bảo trì, tuân thủ quy trình khai thác, bảo trì đã được duyệt, cung cấp đủ trang thiết bị cần thiết để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện trong quá trình vừa khai thác vừa thi công xây dựng, hoàn thiện các hạng mục công trình trên tuyến theo quy định tại Điều 115 Luật Xây dựng trong thời gian khai thác tạm...”, Bộ GTVT yêu cầu.
Để triển khai những nội dung trên, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam phải khẩn trương xây dựng dự thảo "Quy định về việc quản lý, khai thác và bảo trì đối với các tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác tạm", trình Bộ GTVT xem xét, ban hành trong tháng 5.
Từ năm 2016 đến 2022, cả nước mua mới hơn 4 nghìn xe ô tô công
Báo Giao thông đưa tin, theo Bộ Tài chính, lũy kế từ năm 2016 đến ngày 31/12/2022, cả nước đã mua mới 4.192 xe ô tô công, 183 phương tiện vận tải khác và 29.853 máy móc, thiết bị. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả, tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật là 1,7 triệu tỷ đồng.
Thông tin được công bố sáng 23/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Quy định mới về trạm dừng nghỉ trạm kiểm tra tải trọng xe đường cao tốc
Nghị định 25/2023/NĐ-CP ngày 19/5/2023 của Chính phủ đã bổ sung Điều 16a vào Nghị định 32/2014/NĐ-CP quy định về trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe đường cao tốc.
Theo đó, trạm dừng nghỉ của đường cao tốc được xây dựng theo quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật để phục vụ cho người tham gia giao thông, hỗ trợ công tác cứu nạn, cứu hộ, sửa chữa, cung cấp nhiên liệu, năng lượng cho phương tiện tham gia giao thông.
Vị trí, quy mô xây dựng trạm dừng nghỉ được xác định khi lập dự án, thiết kế xây dựng trạm và được triển khai trong dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc hoặc sau khi đường cao tốc đã đưa vào khai thác sử dụng.
Việc đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh khai thác thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đấu thầu, pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công.
Về trạm kiểm tra tải trọng xe cố định của đường cao tốc được quy định: được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc hoặc trong giai đoạn khai thác sử dụng đường cao tốc. Vị trí xây dựng trạm kiểm tra tải trọng xe được bố trí tại trạm thu phí, đường nhánh nối vào đường cao tốc, vị trí phù hợp khác.
Việc sử dụng Trạm phải bảo đảm giao thông an toàn; phải bố trí nơi dừng, đỗ để xử lý, có phương án hạ tải hoặc đường nhánh để phương tiện vi phạm di chuyển ra khỏi đường cao tốc tại trạm kiểm tra tải trọng xe cố định.
Đối với đường cao tốc được đầu tư xây dựng bằng ngân sách nhà nước, chi phí xây dựng trạm kiểm tra tải trọng xe được tính theo một trong các trường hợp sau: Tính trong dự án xây dựng đường cao tốc; chi phí đầu tư xây dựng trạm sau khi đường cao tốc đã đưa vào khai thác sử dụng hoặc trong nguồn chi phí bảo trì đường cao tốc của ngân sách nhà nước.
Chi phí quản lý, bảo trì trạm kiểm tra tải trọng xe được tính trong chi phí bảo trì đường cao tốc.
Chi phí xây dựng trạm kiểm tra tải trọng xe cố định của đường cao tốc đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư được tính trong chi phí đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc.
Chi phí quản lý, bảo trì và chi phí xây dựng trạm kiểm tra tải trọng xe trong giai đoạn khai thác sử dụng đường cao tốc và được tính trong chi phí quản lý, bảo trì đường cao tốc. Các chi phí này được tính trong phương án tài chính của hợp đồng dự án.
Đối với công trình dịch vụ chuyên ngành đường bộ, Bộ Giao thông vận tải quy định việc tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu, đầu tư và pháp luật chuyên ngành, các quy định của Nghị định 32/2014/NĐ-CP.
Nghị định 25/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/7/2023.
Thành Đô (tổng hợp)