Hiện tượng lắc ngang đuôi xe khi chạy xe qua những cung đường xóc có thể dẫn đến bị lật xe nếu đi không cẩn thận, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu được về cơ chế cũng như xử lý đúng cách.
Theo lý giải của kỹ sư Lê Văn Tạch (công ty Toyota Việt Nam) thì hiện tượng này thường xảy ra với những xe có dẫn động cầu sau mà kết cấu của hệ thống treo cầu sau khá đơn giản (như ở ảnh minh họa)
|
Nhà sản xuất sử dụng một thanh giằng ngang, một đầu gắn vào khung xe, đầu còn lại gắn vào cầu xe để giữ thân xe với cầu sau theo chiều ngang. Khi xe đi đường xóc thì thanh này sẽ chuyển động khiến cho đuôi xe chịu chuyển động quay với bán kính quay là khoảng cách từ tâm bu-lông giữ thanh giằng vào khung xe tới tâm bu-lông giữ thanh giằng vào cầu xe.
Chuyển động quay của đuôi xe khiến đuôi xe bị lắc theo chiều ngang khoảng hơn 1cm tuỳ theo mức độ xóc (hay biên độ dao động theo chiều đứng của đuôi xe). Ngoài ra chuyển động quay này còn gây ra lực li tâm khá lớn, kéo đuôi xe sang phía bên phải làm tăng nguy cơ lật xe sang phía phải.
Đặc biệt, nếu xi lanh giảm chấn phía sau bị rò rỉ dầu thì biên độ và tần số dao động của đuôi xe rất lớn thì xe càng bị lắc nhiều và nguy cơ lật xe càng cao.
Do vậy những người sử dụng xe có kết cấu thệ thống treo phía sau tương tự như trên cần lưu ý để có cách sử hợp lý để tránh cho xe khỏi bị lật.
Ông Tạch cho biết thêm, hiện tượng này do kết cấu của xe nên các giải pháp khắc phục như thay lò xo cứng hơn hay thêm cơ cấu giảm chấn có thể làm giảm biên độ dao động của đuôi xe theo chiều đứng, đồng thời giảm biên độ lắc ngang, nhưng sẽ khiển tần số dao động tăng lên và người ngồi sau vẫn sẽ khó chịu.
Ngoài ra, các giải pháp như lắp thêm các thanh cân bằng balance arm, space arm cũng sẽ không thật sự hiệu quả.
Bên cạnh đó, với những xe có van phân bổ lực phanh theo tải trọng thì việc thay đổi kết cấu sẽ ảnh hưởng tới hệ thống phanh.
Kỹ sư Lê Văn Tạch khuyến cáo người dùng nên cân nhắc trước khi sử dụng những biện pháp can thiệp mà các gara tư vấn.
Về biện pháp xử lý, theo ông Tạch, hiện tượng lắc ngang đuôi là do thanh giằng ngang tạo ra. Nếu tải trọng càng xa với tải trọng tiêu chuẩn thì biên độ lắc càng lớn. Để hạn chế độ lắc chỉ có cách đi chậm khi gặp đường xóc.
Đ.Huệ