Chủ động xả trạm đợt Tết, tránh ùn tắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1174/CĐ-TTg ngày 19/12/2022 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân 2023.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, vận động Nhân dân và người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT).
Trong các nội dung đề cập, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện triệt để phương thức thu phí điện tử không dừng, chủ động mở trạm, tạm dừng thu phí để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc giao thông; thực hiện nghiêm việc tổ chức, hướng dẫn, bảo đảm ATGT trên các đoạn tuyến công trình vừa thi công, vừa khai thác; khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố về kết cấu hạ tầng giao thông; khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, trong đô thị và trả lại lòng đường cho Nhân dân đi lại 01 tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc phải có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông, kịp thời giải tỏa không để phát sinh ùn tắc kéo dài khi có sự cố về giao thông, nhất là trong thời điểm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên các tuyến trục chính ra vào Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến kết nối đến nhà ga, sân bay, bến cảng và khu vực tổ chức Lễ hội Xuân...
Đề xuất làm bãi xe 3.500m2 giải tỏa ùn tắc ở Tân Sơn Nhất dịp Tết
Sở GTVT TP.HCM chiều 20/12 cho biết, Sở đang đề xuất đưa Khu đất rộng 3.500m2 nằm tiếp giáp đường vào ga quốc tế được ngành chức năng dự tính sử dụng tạm cho taxi, xe công nghệ đón trả khách ở sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết.
Theo tính toán, cao điểm Tết sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến phục vụ 120.000-130.000 khách/ngày, tương đương 3.000-4.000 lượt khách/giờ. Do đó nhu cầu đi lại của hành khách bằng taxi, xe công nghệ là rất lớn, ước tính mỗi phút từ 30-40 xe.
Lượng ô tô ra vào liên tục dễ gây ùn ứ trong điều kiện đường nội bộ ở sân bay đã quá tải. Với yêu cầu trên, rất cần có bãi đệm điều tiết taxi, xe buýt để quay vòng cho hai nhà ga.
Trước đó, bãi đất rộng 3.500 m2 tiếp giáp đường vào ga quốc tế, nằm ở góc đường Bạch Đằng - Trường Sơn - Hồng Hà (do Cảng vụ hàng không Miền Nam quản lý) được Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất kiến nghị UBND TP.HCM xây bãi giữ xe đệm cho sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, thủ tục còn nhiều vướng mắc nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện.
Dù vậy, trước dự báo nhu cầu khách đi lại qua sân bay Tân Sơn Nhất tăng đột biến với hơn 120.000 người/ngày dịp Tết, tuần này Sở GTVT sẽ mời các bên liên quan khảo sát thực tế và có thể đề xuất thành phố tạm bố trí làm bãi đỗ cho taxi, xe công nghệ trong thời gian này, nhằm giảm tải cho khu vực.
Đến hẹn lại lên: Cuối năm lại đào xới vỉa hè
Theo phản ánh của người dân cũng như những ghi nhận thực tế của các PV, thời điểm cuối năm, nhiều nơi trên địa bàn TP.Hà Nội lại đang diễn ra tình trạng vỉa hè thi công, lật đá lên để lát mới cho dù còn dùng tốt. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, hoạt động kinh doanh buôn bán của người dân.
Thông tin từ Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, trong tháng 11/2022, lực lượng này đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 21 trường hợp vi phạm quy định về đào hè, đào đường, hoàn trả mặt đường không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, với tổng số tiền hơn 118 triệu đồng. Trong số các trường hợp vi phạm có cả các cá nhân tự ý cải tạo vỉa hè trái phép; một số đơn vị để vật liệu ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông…
Để bảo đảm trật tự an toàn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, Thanh tra Sở kiến nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên phối hợp với Thanh tra Sở, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Đặc biệt, các đơn vị quản lý đường phải giám sát chặt chẽ các vị trí hoàn trả mặt đường, bảo đảm êm thuận cho các phương tiện tham gia giao thông. Cùng với đó có văn bản chấn chỉnh đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công vi phạm nhiều lần. Theo thống kê, hiện Hà Nội có 255 tuyến phố ở các quận, huyện, thị xã lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, tập trung ở một số quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, còn lại đa số lát bằng gạch block.
TP. HCM khởi động dự án cầu Cần Giờ gần 10.000 tỷ đồng
Sở Giao thông Vận tải TP. HCM vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu khảo sát và cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Cần Giờ.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, cầu Cần Giờ có tổng mức đầu tư 9.982 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Trong đó, ngân sách thành phố chi gần 4.000 tỷ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư bỏ chi phí xây lắp.
Theo Quyết định số 751/QĐ-UBND ngày 1/3/2019 của UBND TP.HCM về phê duyệt Phương án kiến trúc công trình cầu Cần Giờ, hình dáng cầu Cần Giờ được chọn có hình cây Đước, biểu tượng đặc trưng cho vùng đất Cần Giờ.
Cầu Cần Giờ nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè vào trung tâm TP. HCM dài hơn 3,6 km với 6 làn xe. Cầu có thiết kế dây văng 1 trụ tháp, phác họa hình tượng cây đước (đặc trưng của huyện Cần Giờ), sử dụng lan can hình tượng sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu, đồng thời thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho cầu.
Công trình sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2022 - 2023, khởi công năm 2024 và hoàn thành năm 2028.
Thành Đô (tổng hợp)