Bộ GTVT ủng hộ đề xuất bắt buộc ô tô phải có camera lùi
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang nghiên cứu bổ sung quy định xe ô tô, đặc biệt xe khách, xe chở hàng phải có camera sau để tăng quan sát cho tài xế khi lùi xe. Định hướng giải pháp này cũng được đưa vào Dự thảo Luật Đường bộ đang xây dựng.
Theo đại diện Bộ GTVT, việc trang bị thêm các tính năng an toàn trên xe, như camera lùi, các hệ thống an toàn bị động, an toàn chủ động rất cần thiết, nhằm hạn chế tai nạn do lùi xe thiếu quan sát gây ra.
Tuy nhiên, nếu bổ sung tiêu chuẩn ô tô phải có camera lùi cần lấy ý kiến rộng rãi, có tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo thiết bị vận hành hiệu quả; có lộ trình thực hiện, tính toán chi phí phát sinh của doanh nghiệp...
TP.HCM khởi động xây cầu Thủ Thiêm 4 gần 5.300 tỷ đồng
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (bước chuẩn bị dự án) để triển khai nghiên cứu xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức đối tác công tư (PPP), chuẩn bị cho việc triển khai dự án giao thông có kinh phí gần 5.300 tỷ đồng.
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM sẽ chi hơn 708 triệu đồng để chỉ định thầu 3 gói thầu, gồm: Lập hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ đề xuất gói thầu tư vấn, khảo sát, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Các gói thầu này dự kiến hoàn thành trong quý 2/2023.
Cầu Thủ Thiêm 4 dài gần 2,2 km, rộng 28 m với 6 làn xe và 2 lề bộ hành; tuổi thọ thiết kế 100 năm, chịu được động đất cấp 7; tĩnh không thông thuyền 80x10 m; vận tốc thiết kế 60 km/h.
Công trình theo thiết kế có điểm đầu từ đoạn trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát nối vào đường Lưu Trọng Lư (quận 7). Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn nối Khu đô thị Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và tuyến R4 (đường Vùng châu thổ).
Nhiều lỗ hổng trong đảm bảo ATGT cho trẻ em đi ô tô
Liên quan đến vấn đề đảm bảo ATGT cho trẻ em, TS Trần Hữu Minh, Chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, thực tế vẫn có nhiều lỗ hổng trong quy định. Để bảo đảm an toàn cho trẻ trên xe ô tô, rất nhiều quốc gia trên thế giới đều quy định trẻ từ dưới 10 tuổi (khuyến cáo tối thiểu) đến dưới 12 tuổi (khuyến cáo tốt nhất) phải dùng các thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô bao gồm: nôi (cho bé từ 1-2 tuổi), ghế (cho bé từ 2-6 tuổi) và đệm nâng (cho bé từ 6-12 tuổi). Nhưng hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định về điều này, phần lớn người dân sử dụng các thiết bị trên đều là tự phát.
Nhiều chuyên gia cũng đề xuất cần luật hóa quy định về thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ em tại Việt Nam và phải có quy định cụ thể về chiều cao và tuổi của trẻ em là dưới 10 tuổi hoặc dưới 135cm theo khuyến nghị, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng chuyển sang sử dụng ô tô tăng nhanh.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)