Vụ việc bé trai 6 tuổi ở trường quốc tế Gateway bị bỏ quên trên xe ô tô suốt một ngày (06/08) dẫn đến cái chết thương tâm đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo với không chỉ các nhà trường, các bậc phụ huynh mà cả những người quan tâm đến trẻ. Việc dạy cho trẻ những kỹ năng sống là vô cùng cần thiết và càng sớm càng tốt, phòng những trường hợp bất trắc xảy ra.
Dưới đây là những kỹ năng thoát hiểm mà trẻ có thể áp dụng trong những tình huống tương tự:
1. Tìm mọi cách để liên lạc với bên ngoài:
Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh đã trang bị cho con mình điện thoại, đồng hồ thông minh để khi cần thiết, trẻ có thể liên lạc cho bố mẹ hoặc người thân để tìm kiếm sự trợ giúp. Hãy hướng dẫn con cách sử dụng những thiết bị kể trên một cách thuần thục, phòng khi sự cố.
Những chiếc đồng hồ thông minh có chức năng nghe, gọi đơn giản dành cho trẻ nhỏ hiện đang được bán rộng rãi trên thị trường với giá phải chăng. |
2. Sử dụng còi xe
Tại nhiều nước, trẻ em đi học một mình, thường được cha mẹ chuẩn bị sẵn cho một số công cụ báo động như còi để đeo trên cổ, khi gặp tình huống nguy hiểm, trẻ có thể tự kêu cứu, báo hiệu cho người khác. Thói quen này không có sẵn ở Việt Nam, tuy nhiên cha mẹ cũng nên cân nhắc sắm thêm cho con.
Bên cạnh đó, có thể nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa biết dù đã sử dụng xe ô tô nhiều năm, còi xe vẫn có thể hoạt động kể cả khi xe đã tắt máy. Vì vậy, hãy chỉ cho con vị trí này và hướng dẫn con sử dụng còi từ bây giờ, điều này sẽ không bao giờ thừa.
Trên một số dòng xe mới hiện nay, còi xe vẫn hoạt động dù đã tắt máy. Cha mẹ hãy dạy con vị trí của còi phòng khi cần thiết. |
3. Bấm đèn cảnh báo
Thứ hai là đèn cảnh báo (đèn Hazard). Đèn này nằm trên bảng tablo, có hình tam giác, rất dễ nhận ra. Hãy dạy con cần phải bấm vào nút này để thu hút sự chú ý của xung quanh.
Vị trí đèn cảnh báo trên ô tô |
4. Sử dụng lẫy mở khóa cửa từ bên trong:
Đây là chức năng thường có trên ô tô, tuy nhiên ít người để ý. Lẫy này thường nằm ở vị trí cốp sau (dòng sedan) hay khoang hành lý (với xe hatback, SUV, Crosscover). Khi khẩn cấp, chỉ cần cậy nắm nhựa (dùng tay hoặc rãnh chìa khóa để bật nắp) là có thể kích hoạt khóa mở, thoát ra ngoài.
Lẫy mở khóa cửa từ bên trong khá dễ tìm và sử dụng. |
Vị trí thường gặp của lẫy mở khóa từ bên trong. |
5. Búa phá kính:
Hiện nay, trẻ thường được đưa đón bằng xe bus của nhà trường hoặc các đơn vị vận chuyển. Trên các phương tiện này thường có các bộ công cụ thoát hiểm như búa phá kính. Búa này được thiết kế để có đầu nhọn tập trung gia lực, chỉ cần một lực nhỏ của trẻ cũng có thể đập vỡ kính, không cần quá nhiều sức. Mặt khác, kính xe hiện nay đa phần là kính an toàn, khi vỡ sẽ vỡ vụn theo dạng hạt ngô, không có mảnh sắc nên sẽ không khiến trẻ bị tổn thương. Cha mẹ hãy dạy trẻ cách nhận dạng, tìm kiếm công cụ này ở vị trí nào, sử dụng ra sao. Nếu không có công cụ phá kính, hãy tìm bất kỳ vật cứng nào có thể phá kính thoát thân.
Búa phá kính được thiết kế để chỉ cần một lực vừa phải cũng có thể làm vỡ kính xe. |
Huệ Đỗ (t/hợp)