Lái xe là một trong những công việc đòi hỏi sự cẩn thận của người cầm sau vô-lăng. Lái xe với tốc độ chậm chưa hẳn đã đảm bảo sự an toàn.
Vậy tại sao các bậc phụ huynh không nên đặt trẻ ngồi ở ghế phụ phía trước?
Thứ nhất, trẻ em vốn hiếu động, tò mò. Rất có thể trẻ sẽ nghịch ngợm khiến người lớn xao nhãng, khó tập trung vào việc lái xe và gây ra va chạm với các xe di chuyển ngược chiều.
Thứ hai, theo nghiên cứu của các nhà khoa học của Học viện Nhi Khoa Hoa Kỳ (AAP), vị trí ngồi ở hàng ghế trước có thể gia tăng khả năng chấn thương cho trẻ nhỏ khi có tai nạn nhiều hơn 40% so với khi ngồi ở hàng ghế sau.
Sẽ là thảm hoạ nếu người lớn không cẩn thận trong việc đặt để trẻ nhỏ ngồi đúng vị trí an toàn trên xe hơi. (Ảnh minh hoạ) |
Hiện nay, các loại xe hơi thường được trang bị túi khí hiện đại, được thiết kế phù hợp với chiều cao và cân nặng của người lớn. Trong trường hợp có tai nạn, vì trẻ quá nhỏ nên túi khí sẽ không hoạt động và có thể gây thương tích nghiêm trọng.
Hoặc trong trường hợp túi khí hoạt động, nó sẽ tạo ra một lực mạnh đẩy trẻ vào mặt lưng của ghế phụ phía trên khiến trẻ ngồi ghế trước sẽ gặp chấn thương nặng hoặc dẫn đến ngạt thở. Một vài bang của nước Mỹ còn đưa ra luật quy định trẻ em dưới 13 tuổi không được phép ngồi ở hàng ghế trước ô tô khi tham gia giao thông. Chính vì vậy, để các bé ngồi ở hàng ghế sau chính là cách để bảo vệ an toàn cho các bé.
Người lớn cần làm gì khi để trẻ đi ô tô cùng với mình?
Người lớn cần dạy cho trẻ các thói quen an toàn khi ngồi trên ô tô như: Cách lên xuống xe, cách thắt dây đai an toàn,…
Ngoài ra chúng ta không được để trẻ nhỏ tự ý mở cửa xe, nhất là cửa xe bên trái khi xe đỗ lại bên lề đường; không xuống xe ở cửa xe bên trái, là phía có thể có các phương tiện giao thông khác từ phía sau chạy tới gây va quệt, tai nạn. Khi trẻ đã ngồi trong xe phải khóa chốt cửa an toàn, không táy máy kéo mở chốt, không tì người lên cửa, không mở cửa kính thò đầu, tay ra ngoài xe.
Nếu vì lý do nào đó cần để trẻ mở cửa hoặc xuống xe ở phía trái thì phải quan sát kỹ phía sau xe. Khi vào xe, nhắc trẻ phải ngồi ngay ngắn, an toàn trong xe rồi mới đóng cửa xe, tránh vội vàng làm kẹt tay chân hoặc quần áo và các vật dụng khác khi dập mạnh cửa xe.
Trẻ ngồi như thế nào mới an toàn?
Việc chọn được chiếc ghế ngồi ô tô em bé phù hợp với độ tuổi, chiều cao và cân nặng của trẻ rất quan trọng, giúp bảo vệ an toàn tối đa khi trẻ cùng gia đình di chuyển bằng ô tô.
Đối với trẻ em dưới 2 tuổi các bậc phụ huynh nên sử dụng loại ghế chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh, lắp quay mặt về phía sau và lắp ở hàng ghế sau. (Ảnh minh hoạ) |
Trẻ từ 4 đến 9 tuổi, tuỳ vào chiều cao cân nặng, người lớn nên cho trẻ sử dụng ghế nâng.
Trẻ từ 8 đến 12 tuổi khi đạt chiều cao 145cm mới được sử dụng dây an toàn. Bởi khi đó, bộ xương của trẻ đã phát triển hoàn thiện có thể chịu được áp lực từ dây an toàn khi xe phanh đột ngột hoặc xảy ra va chạm. (Ảnh minh hoạ) |
Trong trường hợp không có ghế chuyên dụng, người lớn nên ẵm, ôm trẻ và ngồi an toàn ở phía sau ghế lái, tốt nhất là vị trí giữa. Không nên nuông chiều trẻ cho trẻ ngồi ghế phụ trên, nhảy tự do hoặc nô đùa trên xe ô tô khi xe đang di chuyển.