Lấy ý kiến về việc nhà nước mua lại trạm thu phí BOT
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa yêu cầu Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ khẩn trương có ý kiến về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư đường bộ theo hình thức BOT.
Cuối tháng 5, Bộ GTVT gửi Chính phủ giải pháp xử lý khó khăn, bất cập tại một số dự án BOT. Bộ này cho biết, trong số 54 dự án BOT giao thông đang thu phí do Bộ GTVT quản lý, có 7 dự án doanh thu năm 2022 đạt dưới 30% so với hợp đồng; 3 dự án có trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án và 1 dự án không thể thu phí.
Bộ GTVT cho biết đã đàm phán với các nhà đầu tư về phương án sửa đổi hợp đồng theo hướng xóa bỏ trạm thu phí hoặc kéo dài thời gian thu, nhà đầu tư giảm lợi nhuận. Sau khi đàm phán, có 3 dự án khả thi để tiếp tục thực hiện hợp đồng; 5 dự án còn lại bổ sung vốn nhà nước nhưng vẫn không khả thi, do đó nhà nước cần mua lại để chấm dứt hợp đồng.
Cụ thể, 5 dự án cần Nhà nước mua lại gồm:
Dự án BOT cầu Bình Lợi: Nhà nước chi 571 tỷ đồng thanh toán chi phí đầu tư xây dựng cho nhà đầu tư để chấm dứt hợp đồng trước hạn, do dự án không thể thu phí khi cảng đường thủy không được đầu tư theo quy hoạch.
Dự án BOT đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa thuộc dự án BOT quốc lộ 1 đoạn tránh TP.Thanh Hóa: Nhà nước chi 892 tỷ đồng thanh toán chi phí đầu tư xây dựng cho nhà đầu tư để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do vị trí đặt trạm thu phí không khả thi.
Dự án BOT nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91 TP Cần Thơ: dự án này không được thu phí trạm T2, Nhà nước cần chi 1.754 tỷ đồng thanh toán phần hoàn vốn còn lại để chấm dứt hợp đồng.
Dự án BOT đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo quốc lộ 3 đoạn km75-100: hiện chỉ được thu phí 1 trong 2 trạm thu phí nên phương án tài chính không khả thi. Vì vậy, Nhà nước bố trí 2.850 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư, chấm dứt hợp đồng.
Dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn km1.738+148 đến km1.763+610: Nhà nước chi 745 tỷ đồng thanh toán cho nhà đầu tư. Hiện phương án tài chính của dự án không khả thi do xe chuyển sang đi tuyến tránh thị xã Buôn Hồ miễn phí.
Sau khi có ý kiến của Chính phủ, hiện Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành để gửi lại Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến để giải quyết dứt điểm vướng mắc các dự án BOT.
Cục Đường bộ đề xuất bổ sung hơn 400 tỷ đồng để sửa chữa quốc lộ xuống cấp
Cục Đường bộ Việt Nam đã vừa có đề xuất gửi Bộ GTVT chấp thuận danh mục chuẩn bị đầu tư bổ sung trong kế hoạch bảo trì năm 2023. Theo đó, hơn 400 tỷ đồng là khoản kinh phí mà Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất bổ sung vốn nhằm sửa chữa một số tuyến quốc lộ, một số cầu đường và xử lý điểm đen tai nạn giao thông.
Cụ thể, đối với đề xuất sửa chữa quốc lộ 38B đoạn từ quốc lộ 38 đến cầu Hợp Lý trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết do khó khăn về nguồn vốn nên đoạn quốc lộ này mới hoàn thành đầu tư đến điểm dừng kỹ thuật và được Bộ Giao thông Vận tải tiếp nhận, giao Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, bảo trì từ ngày 1/5/2017.
Một số tuyến quốc lộ khác cũng được Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải bổ sung vốn trong kế hoạch bảo trì năm 2023 để sửa chữa như: Quốc lộ 47, Quốc lộ 217, Quốc lộ 217B, Quốc lộ 281, Quốc lộ 55 với tổng kinh phí 121 tỷ đồng.
Đối với xử lý điểm đen tai nạn giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất xử lý điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông tại Km94-Km95 Quốc lộ 21 tỉnh Hòa Bình; sửa chữa hư hỏng mặt đường, xử lý các vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông trên Quốc lộ 15D, tỉnh Quảng Trị với tổng kinh phí hơn 130 tỷ đồng.
Sửa chữa đột xuất cầu Chả 2 Km 217+735 Quốc lộ 37 và sửa chữa đột xuất tràn Pắc Cụp Km 170+600, Quốc lộ 2C, tỉnh Tuyên Quang với tổng kinh phí 35 tỷ đồng.
Đề xuất giãn chu kỳ đăng kiểm xe kinh doanh vận tải
Hiệp Hội Vận tải hàng hóa TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hiệp Hội Vận tải ô tô Việt Nam và các cơ quan liên quan kiến nghị xem xét việc giãn chu kỳ đăng kiểm đối với xe kinh doanh vận tải nếu hệ số an toàn có thể đáp ứng.
Việc giãn chu kỳ đăng kiểm nói trên theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM là nhằm hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tháo gỡ tình trạng ùn tắc đăng kiểm hiện nay.
Mặt khác, Hiệp hội cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu khả năng chia chu kỳ đăng kiểm dựa trên mốc km xe đã chạy, tránh trường hợp, xe không hoạt động nằm bãi, nhưng đến chu kỳ tháng thì vẫn phải đi đăng kiểm.
Trước kiến nghị của đơn vị này, Bộ GTVT vừa phát đi công văn lấy ý kiến các đơn vị liên quan.
Thành Đô (tổng hợp)