Lấy ý kiến về đề xuất quản lý biển số xe theo mã định danh cá nhân
Bộ Công an vừa chính thức lấy ý kiến về dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 58 quy định về cấp, thu hồi đăng ký biển số xe cơ giới.
Theo đó, chủ xe là tổ chức, cá nhân có trụ sở, nơi cư trú ở đâu thì đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe thuộc địa phương đó.
Với chủ xe là người Việt Nam, biển số xe sẽ được quản lý theo mã định danh cá nhân. Trong trường hợp chủ xe là người nước ngoài, biển số xe sẽ được quản lý theo mã định danh của người nước ngoài.
Đối với phương tiện cơ giới thuộc sở hữu của tổ chức, biển số xe sẽ được quản lý theo mã định danh của tổ chức hoặc mã số thuế.
Ngoài ra, nội dung dự thảo cũng đề cập mọi thủ tục đăng ký xe đều phải được kê khai trên cổng dịch vụ công quốc gia. Sau khi kê khai thành công, cổng dịch vụ công gửi tin nhắn thông báo mã hồ sơ để chủ xe làm thủ tục đăng ký xe tại cơ quan có thẩm quyền.
Trong trường hợp không thực hiện được trên cổng dịch vụ công quốc gia do không có dữ liệu điện tử hoặc lỗi kỹ thuật, chủ xe sẽ kê khai và làm thủ tục trực tiếp tại cơ quan đăng ký xe.
Được biết, Bộ Công an sẽ lấy ý kiến công khai về dự thảo nói trên từ ngày 14/3 đến hết ngày 14/5. Nếu được thông qua, Thông tư mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7.
Các hãng ô tô nhập khẩu đề xuất hưởng chung hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ
Nhóm các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng (VIVA) vừa có văn bản gửi Quốc hội, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ kiến nghị về chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ như đối với mặt hàng ô tô lắp ráp trong nước (CKD).
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2023 nhằm giải quyết một loạt vấn đề "nóng". Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô CKD được Bộ Công Thương kiến nghị tại Báo cáo số 22/BC-BCT ngày 02/3/2023; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2023.
Liên quan đến chính sách này, nhóm các hãng xe nhập khẩu VIVA cho rằng doanh số bán hàng của cả ô tô CKD và CBU (nhập khẩu nguyên chiếc) đều phải chịu áp lực nghiêm trọng. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần có giải phải hỗ trợ tương tự và công bằng vì toàn bộ thị trường.
"VIVA ủng hộ đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ chỉ khi áp dụng cho tất cả ô tô mới được lắp ráp trong nước CKD cũng như nhập khẩu nguyên chiếc CBU", văn bản của nhóm các hãng xe nhập khẩu chính hãng nêu rõ quan điểm.
Theo VIVA, Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng "các doanh nghiệp đang phải gồng mình đối phó với lượng hàng tồn kho cao do sức mua trên thị trường giảm đột ngột". Do đó, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, cụ thể là chính sách giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ xe CKD.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp VIVA "giãi bày" tình trạng tồn kho của các nhà nhập khẩu và đại lý phân phối ô tô CBU còn nghiêm trọng hơn nhiều "do số lượng ô tô bán ra ký kết đã giảm kể từ tháng 11/2022".
VIVA cho biết, lượng xe nhập khẩu tháng 1/2023 đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 12.843 chiếc so với 4.020 chiếc. Giai đoạn từ tháng 10-12/2022, lượng ô tô nhập khẩu về nước đạt khoảng 77.000 chiếc và cũng cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh nguyên nhân về sức mua suy giảm nghiêm trọng, tình trạng dư thừa còn ngày càng trầm trọng hơn bởi những trắc trở ở khâu đăng kiểm thời gian gần đây.
"Chỉ một số nhà nhập khẩu và đại lý mới có thể trụ vững về mặt tài chính nếu không có sự hỗ trợ lệ phí trước bạ cho cả ô tô nguyên chiếc CBU", văn bản của VIVA nêu quan điểm.
Thay đổi cách tính phí taxi vào sân bay, nguy cơ đẩy giá cước lên khách hàng
Bên cạnh hai loại phí hiện hữu là phí ra vào sân bay và phí giữ xe (tính theo giờ), nhiều doanh nghiệp (DN) khai thác vận tải ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TPHCM) cho biết sắp phải đóng thêm loại phí nữa có mức thu từ 5.000 tới 15.000 đồng/xe/lần sau khi đơn vị khai thác cho thuê mặt bằng đậu taxi trước cửa sân bay vừa thay đổi quy định về cho thuê bãi đậu. Thay vì cho thuê mặt bằng theo tháng như trước, các hãng taxi sẽ phải trả phí theo từng lượt vào sân bay.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Phước (51 tuổi) - một tài xế chạy xe taxi ở sân bay Tân Sơn Nhất cho biết nếu áp dụng hình thức thu phí theo làn thì các xe sẽ chịu 2 lần phí. Đặc biệt nếu xe có nhu cầu đậu trong bãi trước khi đón khách thì sẽ phải trả 3 lần phí mà quãng đường di chuyển chỉ vỏn vẹn 300 mét từ đường Trường Sơn đi vào cổng sân bay và đi ra. Đây là quy định vừa không hợp lý, vừa bất cập vì dễ gây ùn tắc khi tiến hành thu phí. Thông thường những ngày cuối tuần, lễ tết thì lượng hành khách ra vào sân bay đông, các xe taxi gần như nối đuôi nhau dọc trục đường làn C và D cả trăm mét.
Về phía Hiệp hội taxi TP.HCM, đơn vị này đang có văn bản gửi các cơ quan liên quan về việc giải quyết vấn đề này. Theo Hiệp hội, nếu thay đổi quy định khai thác, cho phép thu phí theo lượt các xe taxi ra vào sẽ đẩy giá cước mỗi chuyến lên cao hơn. Đặc biệt, nhiều xe taxi sẽ tìm cách né, không vào sân bay hoặc hạn chế vào sân bay. Ngoài ra, nếu chấp thuận việc thu phí dịch vụ mới này, chi phí của các chuyến taxi sẽ tăng thêm rất nhiều, trực tiếp đẩy áp lực giá cả lên hành khách sử dụng dịch vụ sân bay. Thống kê, mỗi ngày có khoảng 60.000 lượt hành khách di chuyển qua sân bay, chưa kể người thân đưa đón với phần lớn sử dụng dịch vụ vận tải taxi.