Đề xuất Nhà nước mua lại 5 trạm BOT
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về giải pháp giải quyết khó khăn, bất cập tại một số dự án BOT. Trong đó, Phó Thủ tướng khẳng định việc sớm xử lý, giải quyết các khó khăn, bất cập tại các dự án này là cần thiết.
Đi vào cụ thể tám dự án được Bộ GTVT đề xuất Nhà nước mua lại và hỗ trợ, Phó Thủ tướng cho biết “cơ bản thống nhất với nguyên tắc, giải pháp xử lý” như đề xuất của Bộ GTVT. Tuy nhiên, Bộ GTVT cần tiếp tục rà soát, làm rõ về những vướng mắc, bất cập; nguyên nhân, trách nhiệm của các bên; đồng thời nghiên cứu tiếp thu, làm rõ hơn một số ý kiến của các bộ, ngành tại cuộc họp.
Trong đó, lãnh đạo Chính phủ lưu ý Bộ GTVT xác định rõ những vấn đề tồn tại, bất cập do pháp luật và những vấn đề liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện của các cơ quan, đơn vị; nghiên cứu, rà soát kỹ hợp đồng để xác định những vấn đề ngoài phạm vi hợp đồng hoặc vấn đề thay đổi so với hợp đồng đã ký. Từ đó, Bộ GTVT nêu rõ trách nhiệm của các bên…
Về thẩm quyền, Bộ GTVT chịu trách nhiệm về việc xác định và chỉ rõ thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật để quyết định các cơ chế, chính sách xử lý tồn tại, bất cập của từng dự án. Trường hợp thẩm quyền của Bộ GTVT thì bộ trưởng Bộ GTVT chịu trách nhiệm xử lý. Trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thì báo cáo đúng cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trước đó, Bộ GTVT có báo cáo gửi Chính phủ đề xuất Nhà nước bỏ ra 10.342 tỉ đồng để xử lý bất cập tại tám dự án BOT. Trong đó, mua lại năm dự án gồm: BOT cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn với 571 tỉ đồng; BOT vành đai phía tây TP Thanh Hóa với 892 tỉ đồng; BOT nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91 (TP Cần Thơ) với 1.754 tỉ đồng; BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 dự kiến 2.850 tỉ đồng; BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắk Lắk với 745 tỉ đồng. Các dự án này sẽ xóa trạm thu phí sau khi Nhà nước bố trí ngân sách mua lại.
Ngoài ra, ba dự án được xem xét tiếp tục hợp đồng và kéo dài thời gian hoàn vốn, Nhà nước hỗ trợ không vượt quá 49% tổng vốn đầu tư gồm: dự án BOT cầu Thái Hà (Thái Bình, Hà Nam), dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì và dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả.
TP.HCM thí điểm cân tự động, xử lý xe quá tải
Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ngày 19/10 vừa qua thông báo cho biết chính thức thí điểm áp dụng biện pháp cân tự động để “phạt nguội” các cá nhân, tổ chức vi phạm quá tải trọng lượng xe.
Thời gian thí điểm áp dụng xử phạt là một năm, kể từ 19/10/2023. Sau đó Sở Giao thông vận tải sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả và tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân TP.HCM phương án tổ chức thực hiện phù hợp.
Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị Thành phố được giao quản lý và vận hành trạm kiểm tra tải trọng xe cố định. Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM căn cứ kết quả ghi nhận để xử phạt vi phạm hành chính. Thời gian thu thập dữ liệu 24/24/7.
Hệ thống cân tự động có thiết bị cảm biến đặt dưới đường, có camera tự động chụp lại biển số của xe, đọc ra các thông tin như tên chủ xe, khối lượng xe, khối lượng hàng hóa được phép chở, kích thước thành thùng,... Hệ thống sẽ tự động tính toán xe có vi phạm tải trọng không, mức độ thế nào. Sở Giao thông TP.HCM cũng cho biết có 3 trường hợp trạm tạm dừng thu thập dữ liệu: Khi kiểm định, hiệu chỉnh, bảo dưỡng; khi gặp sự cố đường truyền tín hiệu, thiết bị hỏng; do yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền.
Theo kế hoạch, việc thí điểm cân tải tự động được thực hiện tại các điểm: Trạm kiểm tra tải trọng số 3, khu vực cầu Ông Lớn trên đại lộ Nguyễn Văn Linh (hướng huyện Bình Chánh đi quận 7); Trạm kiểm tra tải trọng xe số 6 và 7, khu vực Trạm thu phí An Sương - An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM).
Yêu cầu xử nghiêm nhà đầu tư, nhà thầu làm chậm cao tốc
Bộ GTVT vừa ban hành văn bản thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (dự án thành phần 2) và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 (dự án thành phần 2).
Bộ GTVT ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các ban QLDA, các nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn và các cơ quan liên quan đã quyết tâm triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả, khắc phục mọi khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Đề cập đến một số nhiệm vụ cụ thể, Bộ GTVT cho biết, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, trước hết là các dự án thành phần đã đưa vào khai thác, yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu tập trung triển khai thi công đảm bảo hoàn thành các hạng mục còn lại theo hợp đồng trong tháng 10/2023.
Đối với các hạng mục bổ sung theo kiến nghị của địa phương, yêu cầu hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/12/2023. Trong đó, lưu ý đối với những hạng mục địa phương không thể bàn giao được mặt bằng cần trao đổi, thống nhất bàn giao lại cho địa phương để sớm kết thúc, hoàn thành toàn bộ dự án.
Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành công tác quyết toán và các thủ tục liên quan để sớm đủ điều kiện bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ theo quy định, tuyệt đối không để kéo dài; Giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng chủ trì, phối hợp với các ban QLDA xác định thời gian cụ thể hoàn thành bàn giao đối với từng dự án.
Đối với các dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 6, Ban QLDA 85 tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ nghiệm thu, thanh toán; Rà soát quy định hợp đồng để đề xuất xử lý theo quy định trong trường hợp các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không đáp ứng năng lực theo yêu cầu.
Thành Đô (tổng hợp)