Hà Nội mới xử lý được 5/37 điểm đen ùn tắc trong 6 tháng
Theo thông tin từ Sở GTVT thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm đơn vị này xử lý được 5/37 điểm đen ùn tắc gồm: Nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo, Đại La - Trần Đại Nghĩa, Ngã Tư Vọng, nút giao Sa Đôi - đường 70 và nút Ngã Tư Sở - Láng
Được biết, để giảm ùn tắc, trong 6 tháng đầu năm Sở GTVT thành phố Hà Nội đã tổ chức thí điểm điều chỉnh những bất cập về tổ chức giao thông một số nút giao thông.
Cụ thể, Hà Nội đã thực hiện phân làn phương tiện trên tuyến đường Nguyễn Trãi đoạn từ Ngã Tư Sở đến Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân; Tổ chức giao thông tại 6 nút giao trên tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Lê Trọng Tấn (trục đường xe buýt BRT); Tổ chức giao thông các trục, tuyến đường khác gồm: Trục đường Vành đai 2, Thụy Khuê, Chu Văn An - Vạn Phúc, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi.
Trên cầu Thanh Trì và trục đường vành đai 3 trên cao, Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông ở 26 nút giao, ngã tư.
Bộ GTVT đề xuất xe máy phải kiểm tra khí thải định kỳ
Theo đó, Bộ GTVT đề xuất xe máy đang lưu hành phải kiểm định về phát thải khí thải mỗi năm một lần, với mức phí có thể là 35.000 đồng.
Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật, Bộ GTVT đang tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành về dự án Luật Đường bộ (được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008). Điểm đáng chú ý của dự luật là việc cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định mô tô, xe máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo quy định.
Theo Bộ GTVT, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 và chất lượng không khí năm 2017 của GreenID, phát thải khí thải từ xe cơ giới được nhận định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường trong không khí đô thị. Trong đó xe máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất.
Để tạo tính đồng bộ và thống nhất trong kiểm soát khí thải phương tiện tham gia giao thông, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định xe máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do Thủ tướng quy định.
Theo tính toán của dự án “nghiên cứu thực trạng phát thải của xe máy đang lưu hành hướng tới kiểm soát khí thải, góp phần cải thiện môi trường không khí”, người sử dụng xe thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe 7%. Tỉ lệ này tương đương với lượng nhiên liệu tiết kiệm được là 170.632 đồng mỗi năm (tính theo giá xăng tháng 11-2018).
Trong khi chỉ mất chi phí khoảng 110.000 đồng mỗi xe để bảo dưỡng và thay thế phụ tùng cho phần khí thải (lọc gió…). Đây cũng là chi phí bảo dưỡng đương nhiên để đảm bảo hiệu quả khai thác và độ bền của xe trong quá trình sử dụng.
Cũng theo tính toán của dự án trên, để bù đắp chi phí đầu tư, vận hành trạm kiểm định chi phí kiểm định cho mỗi xe khoảng 35.000 đồng/lần/năm. “Như vậy, nếu thực hiện kiểm soát khí thải, người dân không bị tăng chi phí mà còn tiết kiệm được 25.632 đồng/xe/năm trong trường hợp Nhà nước tiến hành thu phí kiểm định khí thải…” - Bộ GTVT phân tích.
Đề xuất kéo dài lộ trình thực hiện niên hạn đầu máy, toa xe đến 2030
Bộ GTVT đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định mới liên quan đến quy định về niên hạn đầu máy toa xe đường sắt.
Tại dự thảo mới, Bộ GTVT đề xuất cho phép các phương tiện đường sắt hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2030 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2030.
Đề xuất này nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Đường sắt VN và các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong điều kiện không bố trí được nguồn vốn đầu tư. Vì vậy cần tận dụng các phương tiện giao thông đường sắt có niên hạn sử dụng vượt quá quy định hiện hành nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, điều kiện khai thác an toàn.
Theo kế hoạch xây dựng dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), tháng 10/2025 sẽ trình dự thảo để Quốc hội thông qua và dự kiến có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2027. Hiện nay, Bộ GTVT đang hoàn thiện Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Đường sắt 2017, trong đó có định hướng sửa đổi quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt.
“Vì vậy, thời gian đề xuất kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt đến 2030 khi Luật Đường sắt (sửa đổi) có hiệu lực thi hành được 3 năm để doanh nghiệp kinh doanh đường sắt có thời gian thích ứng với quy định mới”, Bộ GTVT cho hay.
Nguyễn Luận