Đề nghị sửa quy định về hành vi chuyển nhượng thầu
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ KH-ĐT về việc tham gia ý kiến dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tại văn bản này, Bộ GTVT cũng đã có một số góp ý liên quan tới khái niệm "nhà thầu phụ" và quy định về chuyển nhượng thầu.
Cụ thể, về nhà thầu phụ, theo khoản 27 Điều 4, khái niệm: Nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện công việc xây lắp, tư vấn, phi tư vấn và dịch vụ liên quan của gói thầu, công việc thuộc gói thầu hỗn hợp theo hợp đồng được ký với nhà thầu.
Theo Bộ GTVT, khái niệm "dịch vụ liên quan của gói thầu" có phạm vi rộng và nội hàm chưa rõ, có thể phù hợp với các ngành nghề, lĩnh vực khác nhưng đối với ngành GTVT, quy định này có thể dẫn đến cách hiểu các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng, cấu kiện bán thành phẩm; cung cấp nhân lực, máy và thiết bị để phục vụ thi công xây dựng công trình cũng là nhà thầu phụ. Từ đó, có thể ảnh hưởng đến việc quản lý, thực hiện hợp đồng và gặp vướng mắc đối với quy định về hành vi chuyển nhượng thầu.
Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét bổ sung quy định loại trừ tại khoản 27 Điều 4 của dự thảo Luật theo hướng các tổ chức cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng, cấu kiện bán thành phẩm; cung cấp nhân lực, máy và thiết bị để phục vụ thi công xây dựng công trình không là nhà thầu phụ.
Đề cập đến quy định về chuyển nhượng thầu, Bộ GTVT cho biết, Theo dự thảo Luật có quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó quy định rất chặt về các hành vi chuyển nhượng thầu, theo đó ngay từ bước dự thầu, nhà thầu đã phải xác định rõ giá trị tối đa, phạm vi công việc dự kiến sử dụng nhà thầu phụ.
Thực tiễn đối với các dự án đầu tư xây dựng trong ngành GTVT, các gói thầu xây lắp thường có thời gian thi công dài, quá trình thực hiện bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như điều kiện thời tiết, giá cả thị trường, tình hình hoạt động của các nhà thầu thực hiện gói thầu.
Tại thời điểm tham dự thầu, nhà thầu chưa thể dự kiến hết phần công việc sẽ sử dụng nhà thầu phụ để đưa ra danh sách các nhà thầu phụ; hoặc trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư yêu cầu đẩy nhanh, rút ngắn tiến độ sớm đưa công trình vào khai thác; khi đó có thể cần phải bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách hoặc bổ sung phần công việc cho nhà thầu phụ ngoài phạm vi công việc, vượt giá trị tối đa công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng.
Vì vậy, việc quy định quá cứng về hành vi chuyển nhượng thầu sẽ dẫn đến khó khăn, không tạo được sự linh hoạt cho các chủ thể trong quá trình thực hiện.
Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét nghiên cứu, sửa đổi về hành vi chuyển nhượng thầu trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo hướng bổ sung quy định loại trừ đối với trường hợp nhà thầu thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu và việc sử dụng nhà thầu phụ vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng khi có lý do xác đáng, hợp lý và được chủ đầu tư chấp thuận không được coi là hành vi chuyển nhượng thầu.
Nhà ga quốc tế Đà Nẵng được SkyTrax xếp hạng 4 sao
Theo thông tin từ Cục Hàng không VN, nhà ga quốc tế Đà Nẵng vừa chính thức trở thành nhà ga đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Tổ chức SkyTrax xếp hạng 4 sao. SkyTrax là tổ chức đánh giá và xếp hạng vận tải hàng không quốc tế về chất lượng dịch vụ các hãng hàng không, sân bay.
Theo đánh giá của SkyTrax, toàn khu vực châu Á, chỉ có 8 sân bay đạt tiêu chuẩn 5 sao, 23 sân bay được công nhận 4 sao. Nhà ga quốc tế Đà Nẵng –Việt Nam tự hào trở thành một trong số ít những đơn vị đạt tiêu chuẩn 4 sao theo SkyTrax.
Trước đó, năm 2019, nhà ga quốc tế Đà Nẵng đã được Skytrax đánh giá tiệm cận chất lượng 4 sao. Đến tháng 3/2023, nhà ga chính thức được xếp hạng 4 sao, hướng tới mục tiêu tiệm cận 5 sao.
Cũng trong tháng 3 vừa qua, Đà Nẵng cũng vinh dự là đại diện duy nhất tại Việt Nam được xướng tên trong bảng xếp hạng Top 3 sân bay cải tiến nhất thế giới, chỉ xếp sau Shenzhen và New York LGA.
Cao Bằng chỉ đạo làm rõ vụ đường hơn 700 tỷ phải bóc lên làm lại
Liên quan đến dự án đường hơn 718 tỷ đồng tại dự án xây dựng đường phía Nam khu đô thị mới TP Cao Bằng vừa hết hạn bảo hành đã phải bóc lên làm lại, Chủ tịch tỉnh này đã có chỉ đạo kiểm tra, làm rõ, đồng thời chủ trì, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; tìm giải pháp thi công phù hợp, khắc phục dứt điểm tình trạng hằn lún tại tuyến đường trên.
Trước đó, báo Giao thông có phản ánh vụ việc “Đường trăm tỷ ở Cao Bằng vừa hết hạn bảo hành đã phải đào lên làm lại” ghi nhận tình trạng tại dự án xây dựng đường phía Nam khu đô thị mới TP Cao Bằng có tổng mức đầu tư 718,7 tỷ đồng nhưng sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng, vừa hết hạn bảo hành, nhà thầu phải đào nhiều đoạn lên để làm lại.
Dự án trên do Công ty TNHH Xây dựng Cao Minh, địa chỉ tại số 63, đường D1, tổ 16, phường Lào Cai, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai thi công từ năm 2011 - 2014, gia hạn đến hết tháng 12/2019. Tuy nhiên, dự án trên đã liên tục chậm tiến độ, kéo dài đến năm 2020 mới hoàn thành.
Thành Đô (tổng hợp)