Hơn 60% thanh thiếu niên đi xe máy trái phép
TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, ông cùng các cộng sự mới đây đã thực hiện xong cuộc khảo sát với 832 phụ huynh có con vị thành niên (độ tuổi từ 16-18 tuổi) tại TP. HCM về tỷ lệ sử dụng xe máy của thanh thiếu niên. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sử dụng xe máy trái phép trong thanh thiếu niên TP. HCM là 61%.
Trong đó, những thanh thiếu niên lớn lên trong các gia đình có điều kiện kinh tế có xu hướng sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi nhiều hơn. Các bậc phụ huynh cũng cho rằng việc các con điều khiển xe máy là hữu ích, dễ sử dụng. Số khác thì chiều theo sở thích của con và cho rằng lực lượng chức năng ít có sự kiểm tra, xử lý.
Theo thống kê, tính đến năm 2020, có hơn 70 triệu xe máy đã đăng ký tại Việt Nam, khoảng 55 triệu trong số đó đang hoạt động. Đối với người trưởng thành, việc sở hữu xe máy gần như phổ biến.
Báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (năm 2021) nhấn mạnh rằng gần 2/3 số vụ va chạm giao thông liên quan đến xe máy, tỷ lệ tử vong cũng cao, ở mức 26,4 người chết trên 100.000 người (theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2018). Đáng chú ý, trong số hơn 11.000 vụ va chạm được ghi nhận trong năm 2020 có 10,3% số vụ liên quan đến trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) đi xe hai bánh.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng cần phải có ngay những can thiệp và giải pháp ngăn chặn việc sử dụng xe máy trái phép của thanh thiếu niên hiện nay, mục tiêu là cải thiện sự an toàn cho lứa tuổi này khi tham gia giao thông, thay vì xử phạt vi phạm.
Hơn 1 triệu phương tiện lắp giám sát hành trình nhưng “xe dù” vẫn nhiều
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, đến nay đã có hơn 1 triệu xe ôtô kinh doanh vận tải đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị GSHT. Với thiết bị này, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể phát hiện xe hoạt động đúng bản chất xe hợp đồng hay không. Tuy nhiên, dữ liệu từ “hộp đen” thu được chỉ gần như chỉ để “lưu kho” nhằm hậu kiểm, không được dùng làm công cụ để kiểm tra, xử lý ngay lập tức xe hợp đồng vi phạm.
Mới đây thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam có nêu rõ: kiểm tra xác suất một số xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tại một số địa phương qua trích xuất dữ liệu thiết bị GSHT trong tháng 12/2022 đã phát hiện một số xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có tần suất hoạt động liên tục, lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian nhất định và có một số xe không truyền dữ liệu về Cục Đường bộ Việt Nam.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để lập lại trật tự hoạt động vận tải, đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các loại hình, Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các Sở GTVT khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT, thực hiện kiểm tra, rà soát đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, theo hợp đồng; các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, theo hợp đồng để theo dõi, chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách bằng xe ôtô tại địa phương nhằm hạn chế tình trạng “xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình”, xe tuyến cố định bỏ bến để tổng hợp các trường hợp vi phạm và có biện pháp xử lý theo quy định.
18 dự án đầu tư công bị chậm tiến độ phê duyệt dự án đầu tư
Chiều 1-2, tại cuộc họp về tình hình thực hiện các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã có 57/63 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trong số đó, có 39 dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư, 18 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chậm phê duyệt dự án đầu tư so với yêu cầu.
Đối với 6 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, có 3 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, gồm dự án: đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc; 3 dự án sử dụng vốn ODA là tuyến kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 1, dự án mở rộng một số cầu, hầm trên QL1A và dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến QL53, QL62, tuyến đường Nam Sông Hậu.
Thành Đô (tổng hợp)