Đêm 22/4 được xem là một đêm “kinh hoàng” với người dân thủ đô khi hơn chục vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra khiến nhiều người vô cùng bàng hoàng. Một trong số những vụ việc đau lòng và gây ám ảnh nhất chính là vụ tai nạn xảy ra trên đường Láng (Hà Nội) khiến một nữ lao công tử vong tại chỗ.
Theo đó, vào khoảng 23h đêm qua, nam thanh niên điều khiển chiếc xe ô hiệu Hyundai Veracruz mang BKS 29A-784.09 đi từ đầu Đường Láng đến đầu ngõ 81 Láng Hạ đâm liên tiếp vào 3 phương tiện khác nhưng may mắn không ai bị thương. Sau đó, chiếc xe chạy với tốc độ kinh hoàng, đâm vào một chủ quán bún ven đường nhưng người này tránh kịp.
Chưa dừng lại, chiếc xe tiếp tục rẽ về phía đường Láng, đâm vào một nữ lao công đang làm việc khiến người này tử vong tại chỗ.
Tài xế xe điên gây tai nạn liên hoàn khiến nữ lao công tử vong tại chỗ |
Nhận tin báo, con trai của nạn nhân đã có mặt tại hiện trường. Hình ảnh cậu bé gào khóc thảm thiết khi nhìn thấy thi thể mẹ khiến nhiều người không khỏi xót xa. Điều đáng chú ý, sau gần 10 giờ gây ra vụ tai nạn liên hoàn trên, tài xế “xe điên” vẫn chưa tỉnh rượu.
Nguồn tin trên báo Thanh Niên cho hay, kết quả đo nồng độ cồn đối với tài xế là 1,041 mg/lít khí thở, vượt gấp nhiều lần so với quy định của pháp luật. Tài xế này gần như là không thể kiểm soát được hành vi của mình trong lúc lái xe.
Sau vụ “xe điên” gây tai nạn liên hoàn khiến 1 nữ lao công tử vong đêm 22/4, một lần nữa vấn đề lái xe sau khi uống bia/rượu lại được bàn luận sôi nổi với không ít sự lo ngại và bức xúc.
Dưới đây là quy định hiện hành đối với hành vi này
Theo Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, hành vi lái ôtô sau khi đã uống bia/rượu bị cấm hoàn toàn.
Về mức phạt đối với hành vi này, Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:
- Điểm 6 khoản a: Phạt từ 2 - 3 triệu đồng khi lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng
- Điểm 8 khoản b: Phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng
- Điểm 9 khoản a: Phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 04 tháng đến 06 tháng.
Trong khi đó, nếu bị truy tố hình sự, tài xế chiếc xe này sẽ phải đối mặt với các mức xử phạt theo quy định tại Điều 260 bộ Luật Hình Sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) như sau:
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.”
Thu Hằng