Khi chi phí cho việc mua ô tô mới còn quá cao, nhiều người đã lựa chọn mua xe đã qua sử dụng. Đối với người mua ô tô cũ, vấn đề quan tâm nhất là xem chiếc xe có bị lỗi động cơ, đã từng bị đâm đụng, ngập nước hay chưa và làm sao xác định đúng giá trị thực sự của chiếc xe. Và nếu không muốn chọn nhầm hàng "phế thải", ngoài giá bán và hình thức bên ngoài, bác tài cần phải nắm rõ một số lưu ý về kỹ thuật để lựa chọn được sản phẩm tốt nhất.
|
Nguồn gốc xuất xứ xe
Đây là vấn đề quan trọng số 1 đối với một chiếc xe ôtô đã qua sử dụng như giấy đăng ký, sổ đăng kiểm đầy đủ, sổ bảo hiểm (nếu có),… và từ đó nhận biết năm sản xuất của xe. Cũng từ giấy đăng kiểm, người mua có thể biết chiếc xe đó có những trang bị, tính năng gì để từ đó kiểm tra và chắc chắn rằng các tính năng đó vẫn hoạt động tốt, đúng với đời xe.
Nhiều người có kinh nghiệm mua xe cũ thường có thói quen sang tên đổi chủ xe luôn để tránh các vấn đề liên quan đến giấy tờ pháp lý. Nếu giấy tờ sạch, những chiếc xe đã qua sử dụng có thể hoàn thành các thủ tục sang tên rất nhanh. Nhưng nếu giấy tờ có vấn đề như cầm cố ngân hàng, tranh chấp sẽ không thể sang tên đổi chủ được.
Thân xe
Kiểm tra thân xe là điều đầu tiên bạn nên làm khi tiếp cận với một chiếc xe cũ. Kiểm tra nước sơn, độ phẳng, cong của lớp vỏ, gỉ sét... là những yếu tố có thể nhìn bằng mắt thường thông qua đó phần nào nhận định tuổi thọ hoặc độ bền của xe.
Cụ thể, những vết xước chính là "nhân chứng" của những vụ va chạm và mức độ của những vụ va chạm đó.
Tiếp đến, hãy chuyển hướng xuống phần lốp, chú ý xem lốp đã bị mòn hay chưa, có bị phồng lên một cách bất thường hay không? Những hiện tượng đó đều có thể ảnh hưởng đến hiệu suất và độ an toàn của xe.
Kiểm tra mặt bên trong của móc tay nắm cửa cạnh ghế lái. Một chiếc xe sử dụng nhiều thì chi tiết này sẽ mòn nhiều, thậm chí là mòn nhiều nhất trong số tất cả các chi tiết ngoại thất.
|
Tiếp đó, hãy quan sát chốt cửa trên trụ B và ngoàm trên cánh cửa cạnh ghế lái. Mức độ mòn của các bộ phận này là bằng chứng sống động về thực trạng sử dụng của xe mà không một biện pháp nào có thể che giấu.
Các đường gân, đường chỉ trên nắp ca pô cũng cần kiểm tra. Đây là những khu vực mà sau tai nạn nặng, khó có thể phục hồi nguyên trạng. Việc miết tay theo những đường gờ này là cần thiết để phát hiện ra những khu vực được bả, đắp, phục hồi. Ngoài ra, bạn cũng nên nhìn kỹ khắp các khu vực phẳng của nắp ca pô để phát hiện những vết tiêm tút.
Nội thất xe
- Bảng điều khiển
Bảng đồng hồ điều khiển cùng các nút bấm hoặc màn hình cảm ứng cần chính xác, cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về tình trạng xe và hành trình di chuyển. Thử tất cả các nút bấm dù là nhỏ nhất như âm lượng, chuyển bài hát để chắc chắn rằng mọi bộ phận của xe đều hoạt động trơn tru với nhau.
- Phanh xe
Nếu đạp chân trên bàn đạp thắng không thấy chắc hoặc đạp thắng thấy rung xe, rung tay lái hoặc khi phanh xe mà nghe thấy tiếng rít ken két, âm thanh kim loại chà vào nhau thì nguyên nhân có thể là thiếu dầu thắng, hoặc dầu bị rò rỉ; đĩa phanh đã quá mòn cần phải tráng mặt lại hoặc biết lớp bố thắng đã mòn.
- Ghế lái và vô-lăng
Ghế lái và vô-lăng là hai phần luôn luôn song hành với tần suất sử dụng xe. Với một chiếc xe đã bị sử dụng nhiều, nệm mút của ghế lái sẽ bị nhũn hơn, thậm chí là bị bẹp chứ không căng với các ghế còn lại.
Nếu là ghế bọc da thì phần đỡ đùi dưới và hai bên lưng ghế (nơi thường xuyên tiếp xúc với cánh tay người lái) sẽ bị bong mặt hoặc rạn nứt khi sử dụng nhiều. Tùy theo chất lượng nội thất mà sự xuống cấp diễn ra nhanh hay chậm. Với những xe đã được bọc lại nội thất thì nệm mút bị nhão là dấu hiệu còn lại để có thể nhận biết. Vô-lăng nhẵn bóng ở những vị trí tay cầm hay lớp bọc da bong tróc cũng là biểu hiện dễ nhận thấy.
- Hộp số
Hộp số cũng phải được kiểm tra thật kỹ lưỡng ở nhiều tốc độ khác nhau, đặc biệt với số sàn, kiểm tra xem có tiếng động lạ phát ra mỗi lần vào số, chân ga có bắt đều với ly hợp không, sức kéo của xe kém đều là những dấu hiện chứng tỏ hệ thống truyền động của xe cần được kiểm tra lại. Cần phải xem xét những trường hợp này trước khi mua.
- Táp-lô
Bề mặt trên của táp-lô là khu vực dễ bị bạc màu nhanh nhất do gần kính lái nhất, hứng nhiều bụi bặm, thường xuyên bị nắng nóng trong khi lại ít được chăm chút trong quá trình vệ sinh nội thất xe. Trên một chiếc xe còn tốt, các phần ốp táp-lô hay tap-pi cửa, trần xe, bệ trung tâm phải chắc chắn.
Kiểm tra phần khung gầm
Phần khung gầm là phần quan trọng nên cần kiểm tra kỹ lưỡng, đặc biệt là cầu của xe - đây là phần chỉ có thể thay thế chứ ít khi sửa chữa được. Phần này rất quan trọng ảnh hưởng tới khả năng vận hành của xe ô tô cũ khi mua về.
|
Luồn người xuống dưới gầm xe, kiểm tra hệ thống xả cũng như bất kỳ dấu hiệu gỉ sét nào. Nhìn xem liệu hệ thống xả có vết đen nào không – đó có thể là dấu hiệu rò rỉ. Đây cũng là dịp tốt để kiểm tra khung hay hư hại trên kết cấu khung nguyên khối của xe.
Kiểm tra bộ xả bằng ngón tay, nếu bụi bẩn trơn, nhờn là vấn đề nghiêm trọng. Hãy bật công tắc xe, khói trắng (ở vùng không có khí hậu lạnh giá) cũng là một dấu hiệu xấu.
Lái thử
Khi bắt đầu lái thử, hãy yêu cầu người bán nổ máy và công việc của bạn lúc này là cần đi vòng quanh xe để quan sát ống xả. Nếu thấy lượng khói xả ra nhiều thì chiếc xe thực sự đã gặp vấn đề và cần xem xét kỹ lại. Bạn cũng hãy chắc chắn là trước khi nổ máy cho bạn xem thì chiếc xe cũng đã được nghỉ ngơi ít nhất là 1 tiếng đồng hồ. Vấn đề này bạn có thể tự check bằng cách xem xem máy xe nóng hay nguội.
|
Khi đã nổ máy nhưng chưa vào số, hãy thử đánh tay lái qua lại 2 bên. Cách này sẽ giúp bạn kiểm tra được độ rơ của vô lăng. Vô lăng và bánh xe phải chuyển động cùng lúc, tức là bạn sẽ cảm nhận được vô lăng xoay trong khi các bánh xe vẫn còn nằm im.
Nếu cảm thấy vô lăng bị rung khi đang thử chạy trên xa lộ thì nguyên nhân có thể là do các bánh xe không cân bằng hoặc là hệ thống treo cân bằng không tốt. Nếu hệ thống treo có vấn đề thì bạn sẽ thấy vô lăng lệch về một bên khi xe đang chạy ở tốc độ bình thường.
Khi sử dụng hệ thống phanh, nếu bạn nghe thấy tiếng kêu lạ hoặc xe bị giật sang một bên thì có nghĩa là hệ thống phanh cũng không còn tốt.
Định giá xe
Ngoài kiểm tra xe, việc định giá trước khi mua xe cũ cũng là vấn đề quan trọng với người đi mua xe cũ. Để xác định giá trị của một chiếc xe cũ sẽ tùy thuộc vào chất lượng xe và giá cả thị trường của xe mới cùng loại.
Cách tính giá xe cũ đối với những dòng xe bình dân, giá trị thấp như Kia Morning hay Hyundai Grand i10 thì cứ sau mỗi năm sử dụng sẽ trừ khoảng 20 - 25 triệu đồng so với giá bán xe mới. Đối với Toyota Vios sẽ cao hơn, khoảng 30 triệu đồng và đắt tiền như Toyota Corolla Altis hay Camry sẽ khoảng 50 triệu sau mỗi năm sử dụng.
Nguyễn Hà (Tổng hợp)