Như thường niên, triển lãm ô tô quốc tế lớn cuối cùng mỗi năm luôn là Los Angeles (Mỹ), là dịp để các hãng xe công bố những sản phẩm "đỉnh" của mình.
Hãng xe Nhật Bản vừa hé lộ bức ảnh đầu tiên về chiếc xe mới, gồm hai biến thể sedan và hatchback 5 cửa. Dự kiến "người bí ẩn" sẽ được ra mắt vào tháng 12 tới đây. Cho đến thời điểm này thì hãng xe Nhật chưa từng hé lộ bất cứ hình ảnh nào của mẫu Mazda 3 mới, kể cả xe thử nghiệm.
Dù chưa lộ diện hoàn toàn, hình ảnh trên cũng cho thấy Mazda 2020 có ngôn ngữ thiết kế già dặn hơn của thiết kế Kodo truyền thống đã từng gắn bó với hãng xe này trong nửa thập kỷ.
"Món lạ" sắp được Mazda trình làng. |
Chiếc Mazda 3 hoàn toàn mới sẽ dựa trên mẫu ý tưởng của Kai được công bố tại triển lãm Tokyo vào 2017.
Kai là mẫu xe ý tưởng làm nền cho Mazda 3 hoàn toàn mới. |
Được biết, phát triển dựa trên mẫu ý tưởng Kai, Mazda 3 sẽ rộng hơn, nội thất của chiếc xe cỡ C cũng sẽ được đơn giản hóa tối đa như Kai, tay lái đưa sát về góc hơn để tăng không gian cabin.
Theo đó, Mazda 2020 sẽ không sử dụng hệ thống gầm bệ của Mazda 2 và Mazda 3 ở phiên bản hiện tại, mà thay vào đó là sẽ dùng chung cơ sở gầm bệ SkyActiv II tiên tiến hơn.
Điều này sẽ giúp Mazda CX-3 thế hệ mới có kích thước tương đương Toyota C-HR và Hyundai Kona mà vẫn giữ được thiết kế mượt mà, thể thao như trước.
|
Đáng chú ý, "người bí ẩn" Mazda 3 2020 sẽ được trang bị động cơ kích nổ hỗn hợp nhiên liệu bằng áp suất có kiểm soát SPCCI (Spark Controlled Compression Ignition) mà Mazda đặt tên là SkyActiv-X.
SkyActiv-X là động cơ đánh lửa không cần bugi giúp tối ưu khả năng vận hành và tiết kiệm đến 30% lượng nhiên liệu so với mô hình truyền thống cùng dung tích và số xi-lanh (so với động cơ xăng SkyActiv-G đang có mặt trên các xe Mazda hiện tại).
Với SkyActiv-X, Mazda tự tin tuyên bố rằng SPCCI có thể giúp động cơ mới "sạch" hơn cả xe điện, bởi lượng CO2 sinh ra ít hơn khoảng 10% so với việc đốt than và xăng để sản xuất lượng điện đủ cho các dòng xe "xanh" vận hành.
Về quy trình vận hành, SkyActiv-X sẽ sử dụng phương thức gần giống với động cơ dầu diesel, khi đẩy áp suất buồng đốt tới ngưỡng khiến hỗn hợp nhiên liệu nóng tới mức tự cháy. Đây có thể coi là "của lạ" ngay cả với ô tô động cơ nhiên liệu hóa thạch truyền thống.