Khi cuộc chạy đua vũ trang giữa Liên Xô và Mỹ nóng lên trong thời kỳ hậu Thế chiến 2, cả hai cường quốc đều nỗ lực để sản xuất ra những hệ thống quân sự với khả năng vô song. Từ tàu ngầm, xe tăng chiến đấu chủ lực đến ác hệ thống phòng không và máy bay phản lực chiến đấu, cả Mỹ và Liên Xô đều đổ rất nhiều tiền của, công sức, với mục đích nhằm vượt mặt đối phương.
MiG-29 là một nhân chứng quan trọng trong cuộc chạy đua giữa hai ông lớn vào thời điểm đó, chiếc máy bay này lần đầu tiên đi vào hoạt động là vào đầu những năm 1980. Chiếc máy bay chiến đấu của Liên Xô khi đó đã tỏ ra vượt trội khi lần đầu tiên được giới thiệu, nhưng sau đó nền tảng này đã không thể duy trì và đáp ứng được những đòi hỏi mà ban lãnh đạo Liên Xô mong muốn.
Một máy bay chiến đấu đáng gờm?
Mặc dù MiG-29 có những nhược điểm, nhưng nó vẫn là một thách thức đối với máy bay chiến đấu của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Nhà sản xuất Mikoyan Gurevich đã cạnh tranh với đối thủ Sukhoi để phát triển nguyên mẫu máy bay mới và mạnh mẽ nhằm thay thế cho MiG-23 đang dần lạc hậu.
Cuối cùng, Mikoyan đã được trao hợp đồng chế tạo máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không. Hơn 1.600 chiếc MiG-29 đã được sản xuất trong nhiều năm và nền tảng này được đánh giá là một trong những khung máy bay thế hệ thứ tư có khả năng nhất vào thời điểm đó.
MiG-29 được NATO đặt biệt danh là "Fulcrum" (Điểm tựa), đây là một trong những máy bay chiến đấu hiện đại đầu tiên do Liên Xô thiết kế, sử dụng hợp kim nhôm-titan cực kỳ nhẹ giúp giảm thiểu tổng trọng lượng và độ phức tạp của máy bay. MiG-29 được thiết kế để đối đầu với những loại máy bay tiêm kích hạng nhẹ mới của Mỹ như F-16, F/A-18 Hornet.
Tới nay, đã có khoảng 1.600 chiếc MiG-29 được sản xuất, 900 trong số đó để xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia trên thế giới và MiG-29 cũng đã tham gia một số cuộc xung đột.
Sau khi Liên Xô tan rã, Quân đội của một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ tiếp tục vận hành MiG-29, trong đó lớn nhất là Không quân Nga. Không quân Nga muốn nâng cấp phi đội hiện có của mình lên loại MiG-29SMT hiện đại hóa, nhưng các khó khăn về tài chính đã ảnh hưởng đến việc giao hàng. MiG-29 cũng là một loại máy bay xuất khẩu phổ biến, hơn 30 quốc gia đã hoặc đang vận hành loại máy bay này cho đến hiện tại.
Về mặt vũ khí, MiG-29 tiên tiến hơn nhiều so với những máy bay tiền nhiệm trước đó. Máy bay có 7 giá treo vũ khí bên ngoài và có khả năng mang theo nhiều loại vũ khí, bao gồm 2 tên lửa tầm trung không đối không R-27, 6 tên lửa tầm ngắn không đối không R-60 và R-73, bom trên không và tên lửa không điều khiển. Tên lửa tầm trung R-27 có hai phiên bản, gồm R-27R và R-27T. Trong đó, R-27R có đầu tự dẫn radar bán chủ động và điều khiển dẫn đường quán tính với liên kết vô tuyến, còn tên lửa R-27T được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại. Tên lửa có thể đánh chặn mục tiêu với tốc độ lên tới 3.500 km/giờ ở độ cao từ 0,02-27 km và khoảng cách thẳng đứng tối đa giữa máy bay và mục tiêu là 10 km.
MiG-29 đã được thổi phồng quá mức?
Maya Carlin cho rằng, mặc dù được trang bị những công nghệ hiện đại nhất vào thời đó, nhưng MiG-29 vẫn mắc phải những thiếu sót nghiêm trọng. Vấn đề nổi cộm nhất xung quanh chiếc máy bay chiến đấu này là nó đã bị bắn hạ trong chiến đấu. Vào cuối những năm 1980, 2 chiếc MiG-29 do phi công Syria lái đã bị phá hủy trong một cuộc không chiến với máy bay Israel. Trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc vào đầu những năm 2000, năm chiếc MiG-29 khác do Iraq điều khiển cũng đã bị bắn hạ.
Quang Hưng