Máy bay chiến đấu MiG-35 của Nga thường được ca ngợi là loại chiến đấu cơ có khả năng cao, với nhiều tính năng tiên tiến. Mặc dù có thông số kỹ thuật ấn tượng trên lý thuyết, nhưng MiG-35 lại có màn thể hiện không mấy ấn tượng trong các tình huống thực tế.
Chuyên gia phân tích Maya Carlin từ Trung tâm Chính sách An ninh Mỹ đã chỉ ra rằng, "MiG-35 là một thất bại hoàn toàn và bất kể Điện Kremlin có tuyên bố gì chăng nữa, thì thực tế đã chứng minh rằng khả năng của chiếc máy bay này là không hiệu quả".
Thiếu kinh nghiệm trong chiến đấu
MiG-35 là máy bay chiến đấu đa năng được thiết kế cho nhiều nhiệm vụ chiến đấu khác nhau, bao gồm chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất và trinh sát. Nó được trang bị các hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, bao gồm radar mảng pha chủ động (AESA) cùng hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST), giúp tăng cường khả năng theo dõi, tấn công cả mục tiêu trên không và mặt đất.
Ngoài ra, MiG-35 còn có hệ thống quản lý vũ khí kết hợp, cho phép nó mang theo nhiều loại đạn dược, bao gồm tên lửa không đối không và không đối đất. Máy bay còn có chín điểm cứng bên ngoài để gắn vũ khí, giúp nó linh hoạt trong các hoạt động chiến đấu. Trên lý thuyết, những tính năng này nghe có vẻ ấn tượng, nhưng chiếc máy bay này vẫn chưa chứng minh được tiềm năng thực sự trong chiến đấu thực tế, điều này làm dấy lên mối lo ngại cho những khách hàng tiềm năng.
Mặc dù có công nghệ tiên tiến, MiG-35 vẫn thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tế, đây là yếu tố quan trọng khiến máy bay kém hấp dẫn trên thị trường quốc tế. Như Carlin lưu ý, "mặc dù sở hữu động cơ cải tiến và radar AESA, MiG-35 vẫn không thể thu hút được người mua và tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh như F-16 và Rafale".
Ngược lại, F-16 có nhiều thập kỷ kinh nghiệm chiến đấu và được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Rafale, một đối thủ cạnh tranh khác, được đánh giá là một nền tảng đa năng, linh hoạt với kinh nghiệm hoạt động đã được chứng minh. Những máy bay này đã được thử nghiệm trong nhiều cuộc xung đột, giành được sự tin tưởng của các lực lượng quân sự trên toàn thế giới, không giống như MiG-35, chưa có cơ hội chứng minh bản thân trong điều kiện chiến đấu thực tế.
Khó khăn về kinh tế
Sự thiếu thành công của MiG-35 trên thị trường quốc tế cũng liên quan đến các vấn đề địa chính trị và kinh tế rộng lớn hơn. Mặc dù Nga đã nỗ lực quảng bá MiG-35, nhưng vẫn có nhiều khó khăn để cạnh tranh trên thị trường vũ khí toàn cầu do những hạn chế về kinh tế và căng thẳng từ cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Chuyên gia Carlin cho biết thêm, "Cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine đã làm cạn kiệt nguồn lực của Nga cho việc sản xuất MiG-35, khiến việc triển khai và xuất khẩu rộng rãi loại máy bay này trở nên khó xảy ra". Điều này đã buộc Nga phải chuyển hướng một phần đáng kể nguồn lực của mình để duy trì các nỗ lực quân sự, khiến khả năng đầu tư vào sản xuất hàng loạt và xuất khẩu MiG-35 trở nên hạn chế.
Hơn nữa, giá thành cao của MiG-35 khiến máy bay kém hấp dẫn hơn trước những khách hàng tiềm năng, đặc biệt là khi so sánh với các máy bay chiến đấu khác cùng loại. Các quốc gia như Ấn Độ, Ai Cập và Argentina đã thể hiện sự quan tâm đến việc mua MiG-35, nhưng các thỏa thuận đã gặp phải những rào cản đáng kể.
Một thách thức khác mà MiG-35 phải đối mặt là lệnh trừng phạt đang diễn ra đối với Nga, đã hạn chế nghiêm trọng khả năng tiếp cận các thành phần và công nghệ cần thiết để sản xuất chiếc máy bay này.
Mặc dù MiG-35 sử dụng hệ thống điện tử hàng không hiện đại, nhưng nó vẫn vẫn mất điểm về kinh nghiệm chiến đấu và danh tiếng toàn cầu. Sự tinh vi về công nghệ không đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt kinh nghiệm chiến đấu và những hạn chế về kinh tế mà Nga phải đối mặt.
Những dự án tiềm năng hơn
Nhìn về phía trước, có vẻ như Nga đang tập trung vào các máy bay chiến đấu tiên tiến hơn, chẳng hạn như Su-35 và Su-57, có hiệu suất vượt trội và có triển vọng bán hàng đáng kể hơn.
Su-35 có khả năng cơ động và hiệu suất tốt hơn MiG-35, khiến nó trở thành lựa chọn khả thi hơn cho xuất khẩu. MiG-35 cũng không phải là ưu tiên của Nga, bởi quốc gia này sẽ phân bổ nguồn lực cho các nền tảng mới hơn có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu quốc phòng của mình.
Carlin chỉ ra rằng, "Hiện Nga không có nhu cầu về một số lượng lớn máy bay chiến đấu đa năng mới do đã có sẵn các máy bay MiG-29 và Su-27 cũ hơn, những máy bay vẫn có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu cần thiết". Thay vì đầu tư mạnh vào việc sản xuất MiG-35, Nga đã lựa chọn duy trì và hiện đại hóa các nền tảng cũ hơn, đây là giải pháp tiết kiệm chi phí hơn trong ngắn hạn.
Quyết định của Nga tập trung vào các nền tảng tiên tiến, đã được chứng minh trong chiến đấu như Su-35 và Su-57 là dấu hiệu rõ ràng cho thấy MiG-35 không phải là ưu tiên của ngành công nghiệp hàng không nước này. MiG-35 thực sự có thể trở thành một ví dụ khác, về một dự án quân sự đầy tham vọng nhưng cuối cùng lại không thành công của Nga.
Quang Hưng