Năm 2024 khép lại với một loạt kỷ lục về xuất khẩu của các ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam. Tổng cộng, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của nước ta tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 405,53 tỷ USD).
Nếu như xuất khẩu gạo tiếp tục củng cố vị trí Top 3 thế giới (với 2 kỷ lục về sản lượng và giá trị), thì ngành dệt may tăng trưởng thần tốc để đưa Việt Nam vươn lên vị trí số 2 thế giới, chỉ sau Ấn Độ.
Mới đây nhất, Tổng cục Hải quan tiếp tục thông báo kỷ lục mới mà ngành gỗ nước ta đạt được trong năm 2024. Cụ thể, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 16,25 tỷ USD (tương đương 412.262.500.000.000 VND), tăng 20,3% so với năm 2023. Gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam hiện nay có mặt tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên quy mô toàn cầu.
Có được thành tựu đáng mừng này là kết quả của hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành gỗ Việt Nam suốt một năm qua.
Bước sang năm mới, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025 rất tích cực, với mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 18 tỷ USD.
Sản xuất xanh trong ngành gỗ: Biến thách thức thành lợi thế cạnh tranh
Song song với tín hiệu khả quan này, các chuyên gia dự báo rằng, ngành gỗ nước ta có thể phải đối mặt với nhiều thách thức. Có thể kể đến sự cạnh tranh mạnh từ các đối thủ trong khu vực như Indonesia, Thái Lan và Malaysia;
Quan trọng nhất, các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ đang đòi hỏi rất khắt khe về xuất xứ gỗ bền vững, thân thiện môi trường. Điều này, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động chuyển đổi xanh để đáp ứng các nhu cầu thị trường.
Cổng thông tin Bộ Công thương trích lời ông Ngô Sỹ Hoài - Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết: "Hiệu lực của EUDR (Quy định của Liên minh Châu Âu (EU) không gây mất rừng và suy thoái rừng) đang đến gần, do đó Hiệp hội đang lập kế hoạch tổ chức đào tạo về thực hiện trách nhiệm giải trình, bảo đảm gỗ hợp pháp khi đưa vào chuỗi cung ứng và chuyển đổi xanh.
Việc các quốc gia EU đã có yêu cầu về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) - theo đó hàng hóa nhập khẩu vào EU sẽ phải chịu thêm chi phí và doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon, Hiệp hội đang khuyến khích các doanh nghiệp bảo đảm sản xuất xanh, thương mại xanh, tăng trường xanh và tăng cường chuyển đổi số".
Liên quan đến tín chỉ carbon rừng, WTO Center cho biết, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam có tiềm năng to lớn trong việc tăng doanh thu từ việc bán tín chỉ carbon. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có hơn 14 triệu hecta rừng, nếu được quản lý tốt, sẽ mang lại cơ hội cho đất nước tận dụng thị trường tín chỉ carbon.
Việc Việt Nam - quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương - nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng (gọi là REDD+) và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng cho thấy Việt Nam đang đến gần hơn với việc thực hiện các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đầy tham vọng của Chính phủ theo Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ các khu vực quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học.
PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, là một trong những quốc gia sản xuất gỗ và lâm nghiệp lớn nhất thế giới, Việt Nam đang có chính sách phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững, bao gồm tài chính xanh và thị trường carbon, giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và giải quyết các thách thức về môi trường.
Sự chuyển mình này cho thấy, các lãnh đạo ngành gỗ đang xem những yêu cầu khắt khe về tính bền vững, thân thiện môi trường của các thị trường EU, Mỹ là lợi thế để doanh nghiệp Việt đẩy mạnh mục tiêu sản xuất xanh.
Phát triển bền vững sẽ là vấn đề trọng tâm để cải thiện đơn hàng và tăng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu ra toàn thế giới. Bởi giảm phát thải carbon đã trở thành yêu cầu đối với hầu hết các ngành sản xuất.
Nhu cầu gỗ toàn cầu bùng nổ
Nhìn rộng ra trên thế giới, Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) đánh giá: Nhu cầu gỗ toàn cầu dự kiến sẽ tăng 54% trong giai đoạn 2010-2050 do ngày càng có nhiều cây được sử dụng làm nhiên liệu và sản xuất các tòa nhà, đồ nội thất và sản phẩm giấy. Đến giữa thế kỷ, con người dự kiến sẽ san phẳng khoảng 3 triệu dặm vuông đất rừng — một diện tích tương đương với kích thước của lục địa Mỹ.
Hệ quả, việc chặt cây tràn lan sẽ làm suy yếu những nỗ lực giảm lượng khí thải gây nóng lên toàn cầu. Bởi bản thân cây cối lưu trữ một lượng carbon khổng lồ trong thân, cành và rễ của chúng. Khi chúng bị chặt hạ, lượng carbon được lưu trữ có thể được giải phóng theo thời gian hoặc nhanh chóng nếu gỗ bị đốt cháy.
Chưa kể, trong giai đoạn 2010-2050, lượng khí thải nhà kính từ hoạt động khai thác gỗ sẽ tăng đáng kể, có khả năng giải phóng từ 3,5 - 4,2 tỷ tấn CO2 mỗi năm - gấp 3 lần lượng khí thải hàng năm của ngành hàng không toàn cầu, Los Angeles Times (Mỹ) thông tin.
Nhân loại đang trong thời đại nhận thức về môi trường ngày một gia tăng. Các ngành công nghiệp trên toàn thế giới đang chịu áp lực từ công chúng để đảm bảo rằng họ tuân thủ các hoạt động bền vững.
Đâu là giải pháp bền vững hơn?
Trước những thách thức về môi trường của ngành gỗ, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đưa ra các giải pháp khả thi để thúc đẩy tính bền vững, hướng sản xuất xanh, bao gồm:
01. Làm lâm nghiệp bền vững
Giải pháp này gồm:
Khai thác gỗ có chọn lọc: Phương pháp này thường được sử dụng để chống khai thác gỗ bất hợp pháp - một trong những phương pháp có lợi nhuận cao nhất trong ngành công nghiệp gỗ. Phương pháp này bao gồm việc lựa chọn cẩn thận những cây phù hợp để khai thác gỗ trong khi để những cây khác tiếp tục phát triển trong môi trường.
Trồng rừng: Đây là quá trình bắt buộc thực hiện đều đặn và lâu dài. Việc trồng cây và thảm thực vật (ở khu vực trước đầy không có rừng; và tại khu vực vừa khai thách gỗ) sẽ góp phần vào sự phát triển và phục hồi rừng hướng bền vững.
Đốt cháy có kiểm soát/Đốt theo quy định: Đốt có kiểm soát được sử dụng để thúc đẩy tái sinh rừng. Điều này giúp duy trì sức khỏe của rừng bằng cách loại bỏ cỏ chết, cành cây đổ, cây chết và cây bụi rậm rạp; đồng thời giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, cũng như giảm được quần thể côn trùng và tiêu diệt các loài thực vật xâm lấn.
02. Thực hiện phương pháp đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA)
Đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA) là kỹ thuật phân tích và kiểm tra toàn bộ vòng đời của sản phẩm; cũng như đánh giá tác động môi trường của sản phẩm từ khâu sản xuất đến khâu thải bỏ.
Phương pháp LCA được tiến hành để giúp doanh nghiệp nâng cao và giám sát từng giai đoạn sản xuất, phấn đấu vì tính bền vững.
03. Cấp Chứng nhận quản lý rừng có trách nhiệm
Hội đồng quản lý rừng (FSC), một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, thiết lập các hướng dẫn để đảm bảo quản lý rừng có trách nhiệm trong ngành công nghiệp gỗ. Các tiêu chuẩn này nhằm mục đích thúc đẩy đa dạng sinh học, phục hồi rừng bị tàn phá và bảo vệ quyền của cộng đồng địa phương và người dân bản địa.
Các công ty, doanh nghiệp đạt được chứng nhận FSC và tuân thủ các yêu cầu của chứng nhận này có thể đảm bảo với khách hàng rằng gỗ mà họ sử dụng và cung cấp có nguồn gốc từ các nguồn bền vững, góp phần tạo nên môi trường gỗ bền vững hơn.
Như đã nói, trong một thế giới ngày càng nóng lên, hệ quả từ biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt thì nhận thức về môi trường ngày một gia tăng trên thế giới.
Doanh nghiệp nào càng đáp ứng tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường càng tốt thì họ càng được khách hàng ủng hộ. Đó là lý do, chuyển đổi để xanh hơn, sạch hơn, lâu bền hơn là cách để một ngành hàng tăng cường vị thế của mình tại các thị trường khó tính. Ngành gỗ Việt nếu nắm bắt xu thế này toàn vẹn, chúng ta sẽ thành công!
Tham khảo: Bộ Công thương Việt Nam, WTO Center, Los Angeles Times, World Bank
Trang Ly