Vụ tai nạn tại Hải Dương khi xe tải đâm vào đoàn người đi bộ trên quốc lộ 5 khiến cộng đồng dấy lên câu hỏi "luật quy định thế nào về việc đi bộ". Luật sư Đặng Thành Chung từ Văn phòng luật sư An Ninh, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết điều 32 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:
"1. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường".
Mặt khác, quy chuẩn 41/2016 về kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ quy định:
"Điều 25. Tác dụng của biển báo cấm
Biển số P.112 "Cấm người đi bộ"
Để báo đường cấm người đi bộ qua lại, phải đặt biển số P.112 "Cấm người đi bộ".
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp lý tưởng nhất là người đi bộ đi trên vỉa hè, nhưng nếu không có vỉa hè hay lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Nếu tuân thủ cách đi này và đường không có biển cấm người đi bộ thì người đi bộ không vi phạm luật.
Ngoài việc quy định đi ở đâu, luật còn chỉ rõ cách sang đường như sau:
"2. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.
3. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.
4. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
5. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường."
Theo VnExpress