Nguyên lý hoạt động của túi khí
Túi khí được xem là một trong những phát minh vĩ đại nhất trong ngành công nghiệp ô tô.
Hệ thống túi khí được cấu tạo từ các bộ phận như cảm biến va chạm, cảm biến gia tốc, cảm biến tốc độ, cảm biến trọng lượng ở ghế ngồi, bộ phận kích nổ, hỗn hợp chất hóa học và túi khí. Tất cả đều được kiểm soát và điều khiển bởi bộ xử lý trung tâm ECU.
Toàn bộ quá trình sẽ chỉ diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn là 0,04 giây – bằng 1/5 thời gian chớp mắt, vì vậy túi khí được bơm căng cực nhanh và bung ra khỏi vô lăng hay các phần khác của xe với vận tốc 322km/h, ngay khi va chạm vừa xảy ra để đỡ cơ thể người lái, cụ thể là phần đầu, đầu gối và 2 bên hông không va phải những vật cứng trong cabin.
Sau khi cơ thể người lái ngừng di chuyển thì túi khí cũng xẹp nhanh chóng thông qua các lỗ thông hơi trên bề mặt túi, nhằm tránh gây chèn ép cơ thể hành khách.
|
Những sai lầm không ngờ khi sử dụng túi khí:
1. Lắp thêm khung cản trước
Nhiều lái xe thường có sở thích lắp thêm khung cản để trang trí và bảo vệ xe khỏi bị trầy xước. Việc làm này rất nguy hiểm bởi sẽ gây cản trở các cảm biến phía trước khi phát hiện va chạm, đồng thời không thể truyền tín hiệu để túi khí được bung ra.
2. Gác chân lên táp lô
Việc gác chân lên táp lô của ô tô có thể khiến bạn bị thương tích nặng ở phần chân do lực đẩy rất mạnh của túi khí khi xảy ra đâm đụng.
Trường hợp túi khí không bung khi xảy ra tai nạn thì thói quen gác chân lên táp lô cũng rất nguy hiểm, thậm chí có thể gây chấn thương nghiêm trọng cho người ngồi phía trước.
Không cài dây an toàn khi vận hành ô tô
Túi khí ô tô luôn được thử nghiệm cùng với dây an toàn, một số xe thậm chí không kích hoạt túi khí nếu dây an toàn chưa được cài. Vì thế để tránh cho người ngồi trên ghế khỏi bị chấn thương nếu túi khí bung tốt nhất nên cài dây an toàn mỗi khi tham gia giao thông.
Bọc ghế xe quá kín
Một số loại túi khí thường được lắp bên trong ghế ngồi và được thiết kế để dễ dàng rách bung ra khi xảy ra sự cố. Như vậy, việc sử dụng bọc ghế với xe khác với thiết kế có thể cản trở việc bung túi khí, từ đó gây hại cho người ngồi trong xe.
Ngồi quá gần vô lăng
Trong quá trình vận hành ô tô, nhiều tài xế có thói quen điều chỉnh ghế ngồi sát với vô lăng để dễ dàng quan sát phía trước. Do đó, trong trường hợp túi khí bung ra khi xảy ra sự cố có thể gây chấn thương vùng mặt hoặc vùng ngực của tài xế.
Bên cạnh đó, việc tài xế ngồi quá sát với vô lăng sẽ khiến túi khí không có đủ thời gian để nổ hết cỡ và tạo lớp đệm đủ an toàn để bảo vệ tài xế. Tốt nhất, các bác tài nên giữ khoảng cách an toàn với vô lăng.
Lắp phụ kiện trên ghế
Trên các dòng xe cao cấp, túi khí còn được lắp đặt bên trong ghế ngồi. Nếu chủ xe bọc thêm các phụ kiện như đệm massage, lót ghế hạt gỗ,… sẽ làm cản trở việc bung túi khí và trực tiếp gây hại cho người ngồi trong xe.
Thanh Thư (T/h)