Hiện nay, thị trường xe cũ khá sôi động, nhiều người có điều kiện tiếp cận với phương tiện di chuyển mới là những chiếc ô tô "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu". Nguồn cung cấp xe cũ cũng khá đa dạng, từ các chợ xe cũ online, các showroom ô tô cũ, qua người quen hoặc đến từ các nguồn thanh lý xe của các doanh nghiệp, cá nhân (taxi thanh lý), hoặc nhà nước (ô tô công hết khấu hao)...
Tuy nhiên, mua ô tô cũ ẩn chứa khá nhiều rủi ro lại không được bảo hành vì vậy, trước khi mua khách hàng hãy tìm hiểu thật kỹ về mẫu xe mình đang "ngắm", đồng thời có thể tìm đến những người am hiểu về ô tô, những địa chỉ mua bán uy tín.
Ngoài giá tiền, khả năng vận hành thì một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng khi mua ô tô cũ là niên hạn sử dụng ô tô.
Khi mua xe cũ, đặc biệt là xe thanh lý, khách hàng cần đặc biệt chú ý tới niên hạn sử dụng xe |
Cách xác định niên hạn xe
Niên hạn sử dụng ô tô được tính từ năm sản xuất xe. Trong một số trường hợp đặc biệt khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép, niên hạn sử dụng được tính từ năm đăng ký xe ô tô lần đầu.
Đối với trường hợp thứ nhất, niên hạn sử dụng của ô tô có thể xác định căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau:
- Số nhận dạng của xe (số VIN); Số khung của xe; Các tài liệu kỹ thuật (bao gồm Catalog, sổ tay thông số kỹ thuật, phần mềm nhận dạng hoặc các thông tin của nhà sản xuất); Thông tin trên nhãn mác của nhà sản xuất được gắn hoặc đóng trên ô tô; Hồ sơ lưu trữ như: Giấy chứng nhận chất lượng; Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với ô tô sản xuất trong nước; Biên bản kiểm tra hoặc nghiệm thu, Giấy chứng nhận chất lượng phương tiện cơ giới đường bộ cải tạo đối với ô tô cải tạo; Hồ sơ gốc do cơ quan công an quản lý; Chứng từ nhập khẩu.
Ngoài ra, các chuyên gia tư vấn xe cũng cho biết, ô tô không có ít nhất một trong những tài liệu, hồ sơ, cơ sở nêu trên được coi là hết niên hạn sử dụng.
- Đối với các loại ô tô cải tạo hoặc chuyển đổi công năng sử dụng, thời điểm áp dụng niên hạn sẽ được tính từ năm sản xuất đến trước khi chuyển đổi.
Khi mua ô tô cũ, khách hàng cần phải dựa trên những tiêu chí kể trên để tính xem, xe đã được sử dụng trong bao nhiêu năm, sau đó trừ dần để biết xe còn bao nhiêu năm có thể sử dụng theo quy định. Nếu xe đã “quá đát”, cho dù rẻ như cho cũng không nên mua vì ngoài việc khả năng cao thường xuyên hỏng hóc, phải sửa chữa, bạn cũng sẽ là người phải giải quyết “đống sắt vụn” khi không còn được phép lưu hành trên đường.
Mua xe cũ cần chú ý tới niên hạn sử dụng để tránh tình trạng phải giải quyết "Đống sắt vụn" |
Quy định của cơ quan chức năng về niên hạn sử dụng ô tô
Theo Điều 4 Nghị định 95/2009/NĐ-CP quy định niên hạn sử dụng xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người, được ban hành ngày 30/10/2009 và Thông tư hướng dẫn số 21/2010 của Bộ Giao thông Vận tải ngày 10/8/2010, niên hạn sử dụng xe ô tô được quy định như sau:
- Không quá 25 năm với ô tô chở hàng; ô tô chở người quá niên hạn sử dụng được chuyển đổi thành ô tô chở hàng; ô tô chở hàng chuyển đổi thành ô tô chuyên dùng; và ô tô chuyên dùng, ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ người lái) chuyển đổi thành ô tô chở hàng.
- Không quá 20 năm với ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên (kể cả chỗ người lái); và ô tô chở người chuyên dùng chuyển đổi thành ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ người lái).
- Không quá 17 năm với ô tô chở người chuyển đổi công năng, ô tô chở hàng đã chuyển đổi thành ô tô chở người trước ngày 1/1/2002.
- Riêng ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả người lái), ô tô chuyên dùng, xe rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc không có niên hạn sử dụng.
Như vậy, thời hạn sử dụng xe ô tô chở hàng là 25 năm trong khi đó niên hạn sử dụng xe ô tô chở người trên 10 chỗ ngồi là 20 năm. Đối với ô tô chở người 9 chỗ (gồm cả người lái) không có niên hạn sử dụng.
Sử dụng xe ô tô hết niên hạn sẽ bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ vào điểm B khoản 5, điểm D khoản 6, Điều 16 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định như sau:
“Điều 16. Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng);
6. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
d) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 5 Điều này bị tịch thu phương tiện và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.”
Như vậy, khi điều khiển xe ô tô hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông thì bạn sẽ phạt tiền từ 4 triệu - 6 triệu đồng. Đồng thời, bạn sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng và bị tịch thu phương tiện. Đây là hình thức xử phạt bổ sung cho hành vi điều khiển xe ô tô đã quá niên hạn sử dụng.
Ngoài ra, căn cứ theo điểm i, khoản 3 Điều 28 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định:
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
i) Sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải có chất lượng hoặc niên hạn sử dụng không bảo đảm điều kiện của hình thức kinh doanh đã đăng ký, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 16 Nghị định này.
Diễm Vỹ (tổng hợp)