Nguyên nhân xe bị nổ lốp khi chạy trên đường cao tốc
Một số dấu hiệu nhận biết xe nổ lốp như tiếng nổ phát ra rất to, tiếng xịt lớn hoặc cảm nhận vỏ cao su cọ sát với mặt đường.
|
Ô tô bị nổ lốp xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, có những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng ô tô bị nổ lốp khi lưu thông trên đường cao tốc:
- Trong quá trình hoạt động, xe của bạn rất có thể bị va chạm và bị cắt bởi những vật sắc nhọn có trên đường như đá, mảnh thủy tinh, những thanh thép,…
- Xe bị va đập mạnh với những ngoại vật làm vướng mâm xe, gây ra những hư hỏng hoặc khiến hông lốp bị rách sẽ khiến lốp ô tô bị nổ.
- Sử dụng xe với lốp xe có áp suất không phù hợp cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng nổ lốp ô tô. Chỉ số áp suất cao quá hoặc thấp quá so với tiêu chuẩn thì nguy cơ hư hỏng càng tăng cao, nhất là khi có những ngoại lực tác động vào.
|
- Ô tô của bạn nếu vận hành trong tình trạng lốp xe đang bị hư hỏng hoặc đã sửa chữa nhưng không đúng kỹ thuật sẽ khiến lốp xe dễ dàng hư hỏng hơn.
- Một vài nguyên nhân khác có thể khiến lốp ô tô dễ bị nổ như: hoa lốp xe đã quá mòn, các rãnh gai còn lại độ sâu quá thấp, hay do tác động của thời tiết, van lốp bị nứt, vỡ, sử dụng lốp đã quá niên hạn… và nhiều nguyên nhân khác nữa tác động vào lốp xe.
Xử lý khi ô tô bị nổ lốp trên đường cao tốc
Nếu không may lốp xe ô tô bị nổ trên đường cao tốc cần có kỹ năng xử lý đúng cách.
Nếu bạn đang chạy xe trên đường cao tốc mà không may xe bị nổ lốp thì cần xử lý theo đúng các bước, đúng kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn cho xe và chính người sử dụng xe:
- Trước hết, tài xế cần hết sức bình tĩnh, tránh hiện tượng hoảng loạn, phanh gấp và mất tay lái.
- Ngay sau khi xe bị nổ lốp, người cầm lái cần nhanh chóng đạp sâu chân ga trong vài giây nếu xe không chạy tốc độ quá cao.
- Một điều cần nhớ là chỉ giữ phanh một thời gian ngắn, tránh giữ quá lâu có thể khiến xe bị trượt đồng thời lại giúp xe có thể chạy thẳng, tránh tình trạng chuyển hướng nguy hiểm.
- Nếu lốp bị nổ là lốp xe sau thì cần lái xe từ từ, tiến hành rà phanh để có thể giảm tốc độ, sau đó hãy cho xe tấp vào lề đường. Trong quá trình tiến hành rà phanh xe, người lái cần phải giữ bình tĩnh để tránh xảy ra rung lắc khiến khó kiểm soát được xe.
|
- Khi lốp bị nổ là lốp xe trước thì việc xử lý để đảm bảo an toàn cho người và xe sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Nếu không may tình huống này xảy ra, tài xế lúc này hãy giữ thẳng và chặt vô-lăng để các hệ thống an toàn trên xe như cân bằng điện tử ESP, phân phối lực phanh điện tử EBD can thiệp và xử lý. Nếu chúng ta cố tình thao tác thêm một số động tác khác sẽ khiến bộ điều khiển trung tâm ECU khó xử lý tình huống.
- Sau khi đã có thể kiểm soát được tay lái, tài xế cần lấy lại cân bằng và hướng xe vào địa điểm được xác định là an toàn (thường là lề đường) để kiểm tra tình trạng lốp xe.
- Để đảm bảo an toàn, hãy bật tín hiệu xin đường hoặc sử dụng tới hệ thống đèn pha nhấp nháy khi trời quá tối hoặc thiếu sáng.
- Đối với trường hợp lỗ thủng trên lốp nghiêm trọng không thể di chuyển, tài xế chỉ còn cách dừng hẳn xe ở một vị trí trên đường, đồng thời tạo vật ra hiệu (nhánh cây bên đường chẳng hạn) để cảnh báo tới các phương tiện khác.
Lời khuyên dành cho các tài xế là thường xuyên kiểm tra tình trạng lốp xe, nếu phát hiện có dấu hiệu mòn gai hay hiện tượng đảo lốp thì cần chủ động thay mới để đảm bảo an toàn, đồng thời nên chuẩn bị sẵn lốp xe dự phòng khi di chuyển trên cung đường xa.
|
Để hạn chế tình trạng nổ lốp, các chuyên gia khuyến cáo chủ sở hữu xe nên bơm lốp đúng áp suất quy định, nên thay lốp sau 80.000km đối với xe tải và 40.000km đối với xe du lịch. Hoặc tùy vào thực tế sử dụng, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng lốp để có quyết định thay lốp đúng thời điểm.
Minh Anh (tổng hợp)