Vừa qua, Nghị viện Châu Âu đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Còn về phía Việt Nam, dự kiến tại kỳ họp tháng 5 tới, Quốc hội cũng sẽ xem xét và thông qua Hiệp định này.
Theo nội dung Hiệp định thì Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU, và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO.
Lộ trình cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng là ô tô, linh kiện ô tô từ phía Việt Nam đang được bộ Tài chính hoàn tất, dự kiến đệ trình lên Quốc hội như sau:
- Với ô tô: Sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 9 năm đối với ô tô phân khối lớn (trên 3000 cc cho động cơ xăng và trên 2500 cc cho động cơ diesel) và 10 năm đối với các loại ô tô còn lại.
- Với linh kiện, phụ tùng ô tô: Lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu sẽ tối đa trong 7 năm.
Trong vòng 9 năm tới, thuế nhập khẩu ô tô từ châu Âu vào Việt Nam sẽ về 0% |
Hiện tại, ôtô nhập khẩu từ châu Âu vào Việt Nam đang chịu thuế suất lên tới 70%. Khi kết hợp thêm các khoản thuế, phí khác đã khiến giá xe khi đến tay khách hàng đã tăng từ 2 đến 3 lần so với giá bán ở nước sản xuất. Các loại xe nhập khẩu từ khu vực này vào Việt Nam chủ yếu là các dòng xe sang đến từ những thương hiệu lớn như Audi, Mercedes-Benz, BMW, Volvo, Maserati, Volkswagen…,
Như vậy, nếu Hiệp định được thông qua, chỉ trong vòng từ 7-9 năm tới, người Việt sẽ được mua ô tô Đức với mức lãi suất chỉ 0%, mức thuế tương đương với những mẫu xe nhập khẩu có tỷ lệ nội địa hóa cao trong khu vực Đông Nam Á. Đương nhiên, lúc này giá xe cũng sẽ giảm đi nhiều.
Không chỉ được mua xe với giá tốt, việc linh kiện nhập có thuế nhập khẩu 0% của các dòng xe sang cũng sẽ giúp cho người tiêu dùng có được mức chi phí chăm sóc, bảo hành, bảo dưỡng và sửa chữa xe rẻ hơn.
Giá xe giảm, chi phí chăm sóc xe cũng giảm, điều này chắc chắn sẽ tác động tới thị trường ô tô Việt. Sự cạnh tranh của các thương hiệu ô tô Nhật, Hàn cũng như ô tô nội địa sẽ trở nên căng thẳng hơn. Cuối cùng, người được lợi nhất vẫn là khách hàng mua xe.
Tuy nhiên, thực tế cho dù tại kỳ họp tháng 5 tới đây của Quốc hội, Hiệp định EVFTA được thông qua thì giá xe ô tô cũng không giảm ngay mà sẽ giảm dần dần, tránh tác động mạnh tới thị trường ô tô trong nước ngay lập tức.
Bên cạnh đó, nội dung Hiệp định EVFTA cũng nêu rõ, cam kết thuế của Việt Nam không áp dụng đối với xe đã qua sử dụng, cả xe con và xe 10 chỗ trở lên cũng như xe chở hàng.
Ngày 12/02/2020 (giờ Việt Nam), Nghị viện Châu Âu đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA). Với kết quả bỏ phiếu gồm 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu không ủng hộ và 40 phiếu trống, Nghị viện châu Âu sẽ ra văn bản thống báo hoàn tất quá trình phê chuẩn và chuyển hồ sơ phê chuẩn trở lại Hội đồng Liên minh châu Âu để hoàn tất các thủ tục cuối cùng.
Hiệp định EVFTA được ký chính thức ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. Sau khi Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn thì có thể thực thi ngay.
Theo nội dung Hiệp định thì Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế. Hiện tại, các cơ quan chức năng đang triển khai các thủ tục để trình Quốc hội, dự kiến tại kỳ họp tháng 5/2020. Trường hợp Quốc hội thông qua vào kỳ họp này và 2 bên thông báo cho nhau đã hoàn thành các thủ tục pháp lý trong tháng 6/2020 thì Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
Đỗ Huệ (t/h)