Thuế nhập khẩu về 0%, giá ô tô vẫn tăng
Nếu như 2017 là năm mà các hãng xe lao vào cuộc chiến giảm giá như một trào lưu tất yếu. "Người người, nhà nhà" đua nhau chèo kéo khách hàng về với thương hiệu của mình bằng hình thức giảm giá bán, tặng tiền mặt, đồ chơi, phụ kiện...
Có một thực tế là dù thuế nhập khẩu đã giảm từ 30% xuống 0% nhưng giá xe nhập khẩu từ các nước ASEAN thực chất không giảm, thậm chí một số mẫu xe khách phải chịu giá cao hơn trước đây. Những diễn biến giá xe nhập khẩu nửa đầu 2018 hoàn toàn ngược với niềm tin của khách hàng, giá chỉ giảm với những mẫu xe ảm đạm về doanh số, và tăng đối với xe bán chạy, bất chấp việc thuế nhập khẩu ASEAN đã bị xoá bỏ.
Ảnh minh họa. |
Thị trường ô tô Việt Nam đang tồn tại những nghịch lý như giá ô tô vẫn tăng khi thuế nhập khẩu giảm về 0%. Lượng tiêu thụ ô tô tăng vọt khi giá bán không hề giảm. Đơn cử như năm 2017, giảm giá nhiều, khuyến mãi lắm nhưng cầu thị trường chưa thể chạm mức tiêu thụ 200.000 xe. Thế nhưng đúng 1 năm sau đó, "ải" chính sách 116 xuất hiện khiến nguồn hàng nhập khẩu đi muộn, về trễ nhưng kỳ vọng thị trường khá lạc quan ở mức trên 200.000 xe.
Nhìn lại những tháng đầu năm 2018, việc Nghị định 116 ra đời đã siết chặt các tiêu chuẩn đối với xe nhập khẩu như về xuất xứ, kiểu loại, mức độ khí thải, an toàn giao thông...
Các quy định chặt chẽ này cùng với Thông tư 03 được Bộ Giao thông Vận tải ban hành đã gần như sập cửa đối với các công ty nhập khẩu xe đơn thuần. Cũng do đó, lượng ôtô nhập khẩu trong thời gian này luôn ở tình trạng về nhỏ giọt.
Theo giới chuyên gia, lý do cho tình trạng thuế giảm nhưng giá vẫn tăng là quy luật cung cầu của thị trường. Khi khách hàng sẵn sàng mua xe với giá đó, không có chuyện doanh nghiệp giảm giá xe. Hơn nữa, thuế nhập khẩu cũng không phải yếu tố duy nhất tác động đến giá bán xe.
Chiêu trò bán xe "bia kèm lạc" trở nên phổ biến
Nếu như Honda CR-V bản nhập, Toyota Fortuner là một trong những mẫu xe được người dùng "ra ngóng, vào trông" và trở nên khan hiếm thì nửa cuối năm 2018 nó lây lan như một "đại dịch". Từ Ford Everest, Ford Ranger Raptor cho đến Hyundai Santa Fe cũng được "hét" giá khủng.
Honda CR-V là một trong những mẫu xe được áp dụng chiêu thức bán hàng "bia kèm lạc". |
Đó là quy luật tất yếu của thị trường khi cầu tăng, cung giảm khiến các đại lý bán xe đua nhau "ra chiêu". Hãng ít thì vài chục triệu phụ kiện đi kèm, xe nhiều thì cả trăm thậm chí đôi trăm triệu đồng. Chưa kể đến việc "kênh" tiền 60-70 triệu đồng của đại lý ô tô Honda để được lấy xe sớm mà không được lắp thêm bất kỳ một phụ kiện nào được khách hàng phản ánh gần đây. Ngay cả những thương hiệu ít tiếng tại Việt Nam như Mitsubishi bỗng một ngày trở nên "nóng" với cái tên Xpander khi phải mua thêm 30-40 triệu phụ kiện thì mới được nhận xe sớm.
Anh Tùng (Ba Đình, Hà Nội) nhận xét việc các đại lý bán hàng kiểu “bia kèm lạc” là cách làm ăn không đàng hoàng nhằm thu thêm lợi nhuận từ việc bán xe, ép khách hàng mua những phụ kiện mà chưa chắc khách hàng đã muốn mua. Thậm chí anh này còn cho rằng, các đại lý bán xe ô tô nhập khẩu áp giá phụ kiện trên trời, đắt hơn nhiều so với việc mua ngoài thị trường.
HOÀNG SƠN