Tăng tổng mức đầu tư metro Nhổn - ga Hà Nội thêm hơn 1.900 tỷ đồng
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội”.
Theo phương án được phê duyệt, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên 34.826 tỷ đồng, tăng thêm 1.916 tỷ đồng.
Trong đó, vốn đối ứng ngân sách TP Hà Nội tăng hơn 3.895 tỷ đồng; Vốn vay ODA giảm gần 1.980 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự án sau điều chỉnh, gồm: vốn vay ODA tương đương hơn 24.781 tỷ đồng (vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á là hơn 374 triệu USD; Vốn vay Cơ quan phát triển Pháp gần 159 triệu Euro; Vốn vay Ngân hàng Đầu tư Châu Âu là 125,5 triệu Euro; Vốn vay Chính phủ Pháp hơn 355 triệu Euro) và Vốn đối ứng ngân sách TP Hà Nội là hơn 10.000 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện dự án cũng được chấp thuận kéo dài đến năm 2027, thay vì hoàn thành vào năm 2022.
Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, trong đó 8,5km đi trên cao, 4km đi ngầm, 8 ga trên cao, 4 ga ngầm, 1 depot. Dự án khởi công ngày 25-9-2010 với mục tiêu cuối năm 2015 hoàn thành, đưa vào sử dụng giai đoạn 1.
Do nhiều nguyên nhân khiến dự án metro Nhổn - ga Hà Nội chậm trễ. Lần gần đây nhất vào tháng 12-2018 Thủ tướng đã điều chỉnh tiến độ dự án.
UBND TP Hà Nội từng điều chỉnh tiến độ khai thác đoạn trên cao của metro Nhổn - ga Hà Nội vào tháng 4-2021, khai thác toàn tuyến vào cuối năm 2022 nhưng mục tiêu này đã vuột qua.
Hơn 75.000 tài xế bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn
Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, qua 1 tháng triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới (20/4 - 20/5), tình hình tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.
Qua 1 tháng triển khai, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý trên 290.000 trường hợp vi phạm, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2022, số tiền phạt tăng 74,6%. Trong đó, số người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm nồng độ cồn là trên 75.000 trường hợp, chiếm 26% tổng số trường hợp vi phạm, tăng 778 trường hợp so với thời gian liền kề trước đó và tăng 50.834 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022.
Tai nạn giao thông xảy ra 832 vụ, làm chết 448 người, bị thương 619 người, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ năm trước.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục CSGT sẽ tập trung tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả đúng tiến độ các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phân công; thực hiện hiệu quả việc tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải hành khách, ô tô vận tải container trên toàn quốc. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo CSGT duy trì thực hiện đồng bộ, xuyên suốt, trách nhiệm, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên toàn quốc.
Mở cao điểm xử lý xe ô tô vi phạm về xếp dỡ hàng hóa
Nhằm ngăn chặn các vụ TNGT có nguyên nhân do xe ô tô, sơ mi rơ moóc vận chuyển hàng hóa (cuộn tôn, thép tấm, thép cuộn, thép cây, ống bê tông, trụ bê tông, gạch...) không được chằng buộc chắc chắn, bị đứt cáp, xích để hàng hóa rơi, văng xuống đường gây thiệt hại về người, tài sản và ùn tắc giao thông, Bộ GTVT vừa có yêu cầu Thanh tra Bộ chỉ đạo Thanh tra các Sở GTVT phối hợp các cơ quan chức năng tại địa phương tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ, xếp hàng hóa trên xe ô tô tại các đầu mối bốc xếp hàng hóa (cảng, bến, ga, mỏ vật liệu, kho hàng, nhà máy...); thời gian thực hiện 1 tháng, từ ngày 1/7/2023 đến ngày 31/7/2023.
Bên cạnh đó để bảo vệ kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự, ATGT đường bộ Bộ GTVT cũng yêu cầu các Sở GTVT, tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa trong việc chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và các quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô; Chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương tăng cường kiểm tra hoạt động của phương tiện ngay tại các điểm xuất phát, điểm tập kết hàng hóa (cảng, bến, ga, mỏ vật liệu, kho hàng, nhà máy...) để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) trước khi phương tiện lưu thông trên đường bộ; Tổ chức, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, lái xe ký cam kết thực hiện đúng các quy định về tải trọng phương tiện, xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng được yêu cầu chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 35/2013/TTBGTVT ngày 21/10/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ GTVT.
Các Cục Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vi phạm về xếp hàng hóa lên xe ô tô tại các cảng, bến hàng hải, thủy nội địa, ga đường sắt theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thành Đô (tổng hợp)