Tờ Business Insider (Mỹ) ngày 24/3 đưa tin, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội Đan Mạch Rasmus Jarlov cho biết ông hối hận khi đã chọn tiêm kích F-35 cho đất nước mình, với lý do lo ngại rằng Mỹ có thể đe dọa ngừng hỗ trợ cho loại máy bay chiến đấu này.
"Là một trong những người ra quyết định đằng sau việc Đan Mạch mua F-35, tôi rất hối hận", ông Jarlov – nghị sĩ của Đảng Nhân dân Bảo thủ trung hữu - viết trên mạng xã hội hôm 19/3.

Ông Jarlov nói về những tin đồn rằng tiêm kích F-35 Lightning II do hãng Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất có thể có "công tắc tắt" cho phép Washington vô hiệu hóa từ xa những máy bay mà các đồng minh NATO của Mỹ đã mua này.
Lầu Năm Góc cho biết hôm 18/3 rằng loại máy bay chiến đấu tàng hình này không có tính năng như vậy.
Nhưng nghị sĩ Đan Mạch không bị thuyết phục. "Rõ ràng là chúng tôi không thể tin lời các vị", ông Jarlov viết trong bài đăng của mình.
Ông nói thêm rằng Mỹ có thể làm gián đoạn việc Copenhagen sử dụng F-35 chỉ bằng cách ngừng cung cấp phụ tùng thay thế — một tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự mà Ukraine phải đối mặt khi Washington tạm thời ngừng viện trợ quân sự.
"Tôi có thể dễ dàng hình dung ra một tình huống mà Mỹ sẽ yêu cầu Đan Mạch nhượng lại Greenland và sẽ đe dọa vô hiệu hóa vũ khí của chúng tôi và để Nga tấn công chúng tôi trong trường hợp chúng tôi từ chối", ông Jarlov - cũng là người phát ngôn của Đảng Nhân dân Bảo thủ về vấn đề Greenland - cáo buộc.
"Do đó, việc mua vũ khí của Mỹ là một rủi ro an ninh mà chúng tôi không thể né tránh. Chúng tôi sẽ đầu tư rất lớn vào phòng không, máy bay chiến đấu, pháo binh và các loại vũ khí khác trong những năm tới và chúng tôi phải tránh vũ khí của Mỹ nếu có thể", ông Jarlov nói.
"Tôi khuyến khích bạn bè và đồng minh của chúng tôi làm như vậy", ông Jarlov nói thêm.
Theo Business Insider, Đan Mạch tuyên bố vào năm 2016 rằng họ sẽ chi khoảng 3 tỷ USD cho 27 chiếc F-35 để thay thế đội bay F-16 Fighting Falcons đã cũ của mình.
Tính đến nay, Copenhagen đã nhận được 17 chiếc.

Theo Business Insider, bình luận của Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội Đan Mạch Jarlov được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ông muốn mua hoặc sáp nhập Greenland - một vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, giàu khoáng sản và có thể cung cấp cho Mỹ một vị trí chiến lược gần Bắc Cực.
Các nhà lãnh đạo ở cả Greenland và Đan Mạch đã nhiều lần phản đối tuyên bố của ông Trump, nói rằng chính phủ của họ không quan tâm đến việc vùng lãnh thổ này nằm dưới sự quản lý hoặc cai trị của Mỹ.
Trong khi đó, Đệ nhị phu nhân Mỹ Usha Vance, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Mike Waltz và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright dự kiến sẽ đến thăm Greenland vào ngày 27/3.
Bồ Đào Nha và Canada cũng đang xem xét lại ý định mua F-35
Business Insider đưa tin, Đan Mạch không phải là quốc gia duy nhất cân nhắc về sự phụ thuộc vào xuất khẩu quốc phòng của Mỹ. Các quan chức Bồ Đào Nha và Canada cũng cho biết họ đang xem xét lại ý định mua F-35 trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và các đồng minh.
Ít nhất 19 nước, bao gồm Vương quốc Anh, Ý, Na Uy, Đan Mạch, Canada, Úc và Israel, đã đồng ý mua F-35.
Theo Business Insider, F-35 là một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới, và mặc dù có một số đối thủ cạnh tranh, nhưng tính năng tàng hình của nó vẫn chiếm ưu thế trên thị trường.
Một nhóm nghiên cứu tại Anh cho biết, các loại máy bay chiến đấu khác được coi là có khả năng gần tương đương là Chengdu J-20 của Trung Quốc và Dassault Rafale của Pháp đã tăng vọt về mức độ phổ biến trong thời gian gần đây khi mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh trở nên căng thẳng.
Hàn Quốc cũng đang phát triển tiêm kích KF-21 Boramae, nhưng hệ thống tàng hình của họ được cho là kém tiên tiến hơn so với F-35.
Hữu Hiển
Bình luận tiêu biểu (0)