Thông tin được chia sẻ tại cuộc làm việc của VAMA với Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) ngày 30/5/2023. Theo VAMA, dự báo sự sụt giảm của thị trường sẽ tiếp tục kéo dài đến nửa sau năm 2023, các hãng sẽ giảm lượng xe nhập về để giải phóng lượng tồn kho, doanh số bán sẽ giảm mạnh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trước khó khăn sụt giảm hoạt động kinh doanh, đại diện VAMA kiến nghị cơ quan Hải quan tham mưu tháo gỡ vướng mắc, trong đó có những vướng mắc thuộc quản lý của nhiều bộ, ngành.
Đơn cử, về quy trình quản lý C/O, hiện nay do nhiều khó khăn nhất định nên nhiều doanh nghiệp khi nhập khẩu linh kiện hàng đã về đến cảng nhưng chưa có C/O để xuất trình cơ quan quản lý. Do đó, doanh nghiệp khi mở tờ khai sẽ phải nộp thuế MFN, sau đó xuất trình C/O và hoàn lại tiền thuế. Trước thực tế này tuy cơ quan Hải quan đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ, nhưng khối lượng công việc phát sinh rất lớn với cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp. Do đó, hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan nghiên cứu và đưa ra quy định để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khai báo thuế suất FTA và nộp C/O trong thời gian quy định.
VAMA cũng nêu hững trở ngại về vấn đề kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt với hàng hóa chỉ là nguyên liệu, linh kiện phục vụ cho sản xuất. Hiện nay việc đăng ký kiểm tra nhà nước cho sản phẩm hàng hóa nhóm 2 đối với phụ tùng, linh kiện ô tô áp dụng cho từng lô hàng nhập về, điều này rất lãng phí nguồn lực lớn. Do đó đề nghị Tổng cục Hải quan tiếp tục có văn bản trao đổi với Bộ Giao thông vận tải để tháo gỡ vấn đề này.
Ngoài ra, hiệp hội cũng kiến nghị các nội dung liên quan đến hoàn thuế linh kiện; góp ý về dự thảo sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; dịch vụ kho-bãi-cảng; vấn đề hệ thống gặp lỗi...
Trước đó, theo báo cáo cập nhật của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, trong tháng 4/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô chỉ đạt 22.409 xe, giảm 25% so với tháng 3/2023 và giảm 47% so với tháng 3/2022 (xe du lịch giảm 27%; xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 51% so với tháng trước).
Trong đó, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 13.325 xe, giảm 18% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.084 xe, giảm 34% so với tháng 3/2023.
Như vậy, 4 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 30% so với 2022 (lắp ráp trong nước giảm 39%; nhập khẩu giảm 16%). Cụ thể hơn theo từng phân khúc thì xe ô tô du lịch giảm 35%; xe thương mại giảm 9% và xe chuyên dụng giảm 58%.
Hầu hết các hãng xe lớn trong nước (trừ VinFast do có số lượng đặt hàng lớn từ trước) cũng ghi nhận doanh số sụt giảm nhanh. Đơn cử, Theo kết quả bán hàng của Tập đoàn Thành Công (TC Group) thì tổng doanh số xe Hyundai bán ra trong tháng 4 đạt 4.592 xe, chỉ bằng 80% so với tháng 3/2023 trước đó (đạt 5.773) xe bán ra.
Cũng theo báo cáo bán hàng tháng 4/2023 của Toyota Việt Nam, doanh số xe Toyota (bao gồm các mẫu xe Toyota và Lexus) đều có sự suy giảm mạnh, không chỉ giảm so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 4/2022) mà còn giảm so với tháng trước đó (tháng 3/2023). Tổng doanh số xe Toyota tháng 4/2023 chỉ đạt 4.415 xe, bằng 75,5% so với tổng doanh số tháng 3/2023 (đạt 5.848 xe bán ra) và chưa bằng 50% doanh số cùng kỳ tháng 4/2022 (đạt 8.925 xe bán ra).
Những con số kể trên cho thấy thị trường ô tô Việt đang phải đối diện với những khó khăn lớn, cần thiết phải có những "đòn bẩy" đặc biệt để vực dậy trong giai đoạn hiện nay.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)