|
Quy định về tạm giữ phương tiện giao thông
Theo Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì việc tạm giữ phương tiện giao thông cần tuân thủ những điều kiện sau:
Chỉ những người có thẩm quyền đưa ra hình thức xử phạt hành chính hoặc xử phạt tịch thu tang vật theo pháp luật mới có thẩm quyền tạm giữ phương tiện giao thông gây tai nạn.
Việc tạm giữ phương tiện giao thông gây tai nạn chỉ được áp dụng khi nhận thấy thật sự cần thiết vì một trong những lý do sau đây:
Việc tạm giữ này giúp cho việc điều tra, xác minh những tình tiết còn chưa rõ ràng để từ đó mới có đầy đủ cơ sở để ra quyết định xử phạt.
Việc tạm giữ này nhằm mục đích ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính khác mà nếu như không tạm giữ thì để chủ sở hữu tiếp tục sử dụng hây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Việc tạm giữ này như một biện pháp bảo đảm để người có lỗi phải thi hành quyết định xử phạt theo quy định pháp luật.
Nếu có cơ sở cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì phương tiện sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra xác minh vụ việc (thường những vụ việc này sẽ có yếu tố hình sự).
Công an hoặc người có thẩm quyền tiến hành tạm giữ phương tiện giao thông trong vụ việc tai nạn giao thông phải lập quyết định tạm giữ và biên bản tạm giữ. Biên bản tạm giữ (có mẫu do Chính phủ quy định) phải có những nội dung như: tên loại, số lượng và tình trạng phương tiện thực tại thời điểm tạm giữ.
Sau khi lập biên bản thì người ra quyết định tạm giữ và chủ sở hữu của phương tiện hoặc người đại diện của tổ chức có phương tiện vi phạm phải ký vào biên bản mới có giá trị hiệu lực. Nếu người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm không có mặt hoặc không chịu ký thì có thể thay thế bằng chữ ký của hai người làm chứng. Biên bản được lập thành 02 bản: 01 bản giao cho người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ, 01 bản giao cho chủ thể vi phạm.
Người ra quyết định tạm giữ phương tiện giao thông gây ra tai nạn phải có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện. Nếu phương tiện đó có bất kỳ mất mát hay hỏng hóc gì thì người ra quyết định tạm giữ sẽ phải tiến hành bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự và bị xử lý theo quy định pháp luật.
|
Thời hạn tạm giữ phương tiện giao thông
Việc tạm giữ phương tiện giao thông gây tai nạn giúp phần xác minh chính xác lỗi trong vụ việc tai nạn giao thông từ đó cơ quan điều tra có thể đưa ra kết luận về trách nhiệm pháp lý, hậu quả pháp lý của các bên có liên quan. Do đó, thời hạn tạm giữ phương tiện phụ thuộc vào tính chất của vụ việc. Cụ thể như sau:
Trường hợp 1:
Vụ việc tai nạn có dấu hiệu của tội phạm, tức có liên quan đến hình sự thì vụ việc sẽ được bên đơn vị cảnh sát giao thông chuyển cho đơn vị điều tra có thẩm quyền điều tra tội phạm về trật tự xã hội. Dẫn theo đó, phương tiện bị tạm giữ cùng với toàn bộ hồ sơ vụ án sẽ được bàn giao cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra giải quyết. Lúc này, phương tiện giao thông sẽ được coi là vật chứng của vụ án.
Trong tất cả các văn bản pháp luật chuyên ngành hình sự và tố tụng hình sự không hề quy định cụ thể về thời hạn tạm giữ vật chứng. Nên, khi được coi là vật chứng thì thời hạn tạm giữ phương tiện là không xác định thời hạn.
Trường hợp 2:
Nếu vụ việc tai nạn không có dấu hiệu tội phạm mà người vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính và bồi thường theo trách nhiệm dân sự thì thời hạn tạm giữ phương tiện giao thông gây tai nạn được áp dụng theo quy định của pháp luật hành chính. Dựa theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì thời hạn tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm được xác định như sau:
Thời hạn tạm giữ phương tiện giao thông gây tai nạn là 07 ngày, được tính kể từ ngày tạm giữ phương tiện. Nếu trong vòng 7 ngày mà vụ việc chưa được giải quyết, còn nhiều vấn đề vướng mắc cần xác minh, vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn tạm giữ được gia hạn thêm nhưng không kéo dài quá 30 ngày, tính từ ngày tạm giữ phương tiện.
Nếu vụ việc tai nạn thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp cần xác minh và thuộc trường hợp phải giải trình thì thời hạn tạm giữ phương tiện giao thông có thể kéo dài thêm 30 ngày nữa, tổng thời hạn không quá 60 ngày. Việc xin gia hạn này phải được lập bằng văn bản và có chữ ký của thủ trưởng trực tiếp của người có thẩm quyền đang tiến hành giải quyết vụ việc.
Thời hạn tạm giữ bắt buộc phải tính từ thời điểm phương tiện bị tạm giữ trên thực tế, xác định bằng việc ký xác nhận vào biên bản tạm giữ.
Thời hạn tạm giữ phương tiện giao thông gây tai nạn không được phép vượt quá thời hạn người có thẩm quyền tiến hành ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trừ các trường hợp nhằm đảm bảo việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, thời hạn tạm giữ phương tiện giao thông thông thường là 7 ngày, trường hợp có tình tiết phức tạp sẽ là 30 ngày và trường hợp đặc biệt là 60 ngày, tính từ ngày tạm giữ phương tiện thực tế.
Trong thời hạn luật định, phương tiện giao thông gây tai nạn bị tạm giữ được trả lại khi có những căn cứ sau:
Ngay sau khi xác định được những tình tiết làm căn cứ đầy đủ cho việc ra quyết định xử phạt hành chính hoặc đã đảm bảo ngăn chặn hành vi vi phạm không còn gây ra nguy hại cho xã hội hoặc quyết định xử phạt hành chính được thi hành thì việc tạm giữ phương tiện giao thông gây tai nạn phải được chấm dứt.
Nếu việc tạm giữ phương tiện để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt mà người vi phạm được nộp tiền phạt nhiều lần thì sau khi nộp phạt lần đầu thì người vi phạm sẽ được trả lại phương tiện bị tạm giữ.
Nếu việc tạm giữ phương tiện để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt mà chủ phương tiện có địa chỉ cụ thể, có điều kiện chỗ để phương tiện, có điều kiện để bảo quản phương tiện hoặc có tiền để bảo lãnh thì có thể làm đơn để xin được giữ phương tiện. Việc tự giữ phương tiện giao thông vi phạm vẫn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành giám sát, quản lý.
Thanh Thư