Sau gần một năm áp dụng thuế nhập khẩu 0% đối với ôtô nhập từ các nước ASEAN ký kết Hiệp định thương mại ATIGA, giá ôtô tại Việt Nam vẫn ở mức cao so hơn so với các thị trường trong khu vực.
Hy vọng sự tràn vào của xe nhập khẩu thuế 0% sẽ kéo theo giá xe trên thị trường giảm xuống không trở thành hiện thực. Giá xe lắp ráp không thay đổi nhiều so với năm trước, trong khi xe nhập khẩu có nhiều lựa chọn nhưng khan nguồn cung, kèm giá cao.
Xe nhập giá vẫn cao
Tính theo tiền Việt, giá một chiếc Honda CR-V tại Singapore ở mức gần 2 tỷ, tại Malaysia từ gần 851 triệu. Trong khi đó, tại Việt Nam từ 973 triệu. Ngoài ra, khách mua xe trong cảnh khan hàng còn phải chịu thêm phí mua phụ kiện nếu muốn nhận xe ngay hoặc chờ vài tháng. Ở Đông Nam Á, Singapore là quốc gia có giá ôtô cao hơn cả.
Không chỉ cao hơn một số nước trong khu vực, so với phiên bản cũ lắp ráp (từ 898 triệu), giá CR-V cũng tăng thêm kể từ khi nhập khẩu. Tuy nhiên, CR-V nhập khẩu và lắp ráp có những khác biệt về kiểu dáng, thông số kỹ thuật.
|
Mẫu Honda HR-V mới ra mắt, có giá công bố từ 786 đến 871 triệu. Trong khi đó, tại các thị trường khác như Indonesia giá tương đương khoảng 625 triệu cho phiên bản đắt nhất, giá tại Thái Lan của dòng xe này tương đương khoảng 681 triệu đến 803 triệu.
Dòng SUV có doanh số tốt Toyota Fortuner giá tại Indonesia từ 746 triệu, trong khi tại Việt Nam từ 1,026 tỷ, tại Phillipines từ 685 triệu. So với chính phiên bản cũ, giá của Fortuner cũng tăng thêm 45 triệu do hãng nâng cấp công nghệ cho xe.
Theo lý thuyết, nếu không có những thay đổi về sản phẩm, giá ôtô nhập khẩu có thể giảm khoảng 23% khi thuế nhập khẩu giảm từ 30% về 0%. Tuy nhiên, lý thuyết cho đến hiện tại chưa đúng với các xe nhập khẩu đã về Việt Nam.
Bên cạnh đó, xe nhập khẩu từ các nước về Việt Nam còn chịu ảnh hưởng từ những yếu tố khác như tỷ giá tiền tệ, chi phí vận chuyển, lưu kho. Ngoài ra, những dòng xe như Fortuner ngay từ thời điểm công bố giá, nhà sản xuất đã cho biết áp dụng giá của năm 2018 (Fortuner mới bán tại Việt Nam từ đầu 2017), nên khó có chuyện dòng xe này giảm giá khi nâng cấp thêm trang bị.
|
Xe nhập khẩu hưởng thuế 0% chưa tạo nên những áp lực thực sự trong cuộc đua với xe lắp ráp, giá xe trong nước cũng không có chiều hướng rẻ hơn. Những cuộc giảm giá ồ ạt như cuối năm 2017 đã không xảy ra trong năm nay.
Xe lắp ráp cũng không giảm giá
Đầu tháng 8, Toyota Việt Nam giới thiệu dòng xe Vios thế hệ mới, giá tăng thêm 18-41 triệu cho tất cả phiên bản, bổ sung thêm một số tính năng và thay đổi kiểu dáng. Ở phân khúc này, Vios cạnh tranh với đối thủ chính hiện tại Hyundai Accent và Honda City, trong khi mẫu Suzuki Ciaz nhập khẩu Thái Lan không có doanh số tốt đủ để tác động vào cuộc chơi về giá.
Nissan X-Trail lắp ráp trong nước có phiên bản mới V-Series, bổ sung thêm tính năng và thiết kế lại đôi chút, đồng thời giá bán cao hơn so với những bản bán trước đó. Ở phân khúc này, duy nhất CR-V nhập khẩu nguyên chiếc, nên các dòng xe lắp ráp vẫn giữ giá bán so với năm 2017.
Honda HR-V nhập khẩu Thái Lan ra mắt tại Việt Nam. |
Trên thị trường, giá xe rẻ nhất vẫn là mẫu hatchback cỡ nhỏ Chevrolet Spark Van 259 triệu. Các dòng xe ở cùng phân khúc này như Kia Morning, Grand i10 không có áp lực cạnh tranh vẫn giữ nguyên mức giá khoảng 300 triệu trở lên. Xe nhập khẩu Suzuki Celerio có giá từ 329 triệu. Trong tháng 9, Toyota sẽ công bố giá bán của 3 dòng xe mới, có chiếc hatchback Wigo cùng phân khúc. Tuy nhiên, giá dự kiến từ trước của dòng xe này cũng không dưới 300 triệu.
Hiện tại, mặt bằng chung giá xe không thấp hơn so với 2017. Xe nhập khẩu dù quay lại đều đặn, nhiều lựa chọn hơn, nhưng tác động đến giá xe chung toàn thị trường không lớn và giá xe tại Việt Nam chưa rẻ hơn như kỳ vọng.
Khi quý III gần kết thúc, cơn bão xe giá rẻ tại Việt Nam như chờ đợi của nhiều người vẫn chưa xảy ra. Thậm chí, người mua xe còn phải chi nhiều tiền hơn đối với một số dòng xe nhất định. Lãnh đạo một doanh nghiệp ôtô từng chia sẻ, giá xe tại Việt Nam sẽ chỉ tăng thêm trong năm nay chứ khó có chiều hướng giảm, đánh giá này đã trở thành hiện thực.
Theo VnExpress